Cần giải pháp chống ngập hiệu quả

(ĐTTCO) - Thời gian qua, hàng loạt dự án chống ngập được triển khai tại TPHCM. Hàng loạt dự án chống ngập khủng cùng với những giải pháp chống ngập “công nghệ mới” đang được triển khai, kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ tình trạng ngập trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu mùa mưa tình trạng ngập nặng trên nhiều tuyến đường vẫn tiếp diễn. 

Chống cứ chống, ngập vẫn ngập
  Việc xây dựng hồ điều tiết thông minh chống ngập nước của Sekisui và VMC là mô hình ứng dụng công nghệ mới nhằm giúp giảm ngập nước ở khu vực. Nếu mô hình này đạt hiệu quả sẽ nhân rộng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập TPHCM cho biết hiện nay tổng chiều dài tuyến cống do quận, huyện quản lý dài hơn 2.707km (tuyến cống cấp IV), trong đó có 179 tuyến hẻm đường bị ngập nước khi có mưa. Tuy nhiên, con số này thay đổi liên tục tùy theo tình hình xử lý của từng quận, huyện; phụ thuộc vào các cơn mưa lớn, nhỏ; ảnh hưởng của thủy triều hay không.
Nhìn chung, các điểm ngập tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven có địa hình thấp, trũng hoặc các tuyến hẻm, đường chưa có hệ thống thoát nước. Từ giữa tháng 5 đến nay, xuất hiện một số cơn mưa khá lớn khiến nhiều khu vực TP ngập sâu trong nước, kéo dài nhiều giờ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Ngoài 179 điểm ngập nói trên còn có 40 điểm ngập do mưa và 9 điểm ngập do thủy triều ở những tuyến đường lớn do trung tâm này giám sát. 

Nhiều năm qua, TPHCM đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Tại các lưu vực đều có các dự án với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ; dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án chống ngập nhỏ, chống ngập cục bộ cho các khu dân cư cũng được triển khai và đưa vào sử dụng.
Hiện tại, TP đang triển khai dự án giải quyết ngập cho do triều cường (phê duyệt tháng 12-2015) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Tháng 5-2016, UBND TP cũng đã phê duyệt dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM với số vốn hơn 9.500 tỷ đồng do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư (kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2021)… 

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập TP, cho biết mặc dù được đầu tư nhiều nhưng tình trạng ngập tại TP vẫn chưa giảm, thậm chí một số chuyên gia dự báo trong tương lai TP sẽ còn ngập nặng hơn.
Nguyên nhân do hệ thống thoát nước của TP được đầu tư đã lâu, một số vị trí bị xuống cấp, trong khi thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, lượng mưa lớn bất thường kết hợp thủy triều làm lượng nước đổ xuống vượt tần suất thiết kế của cống, nhiều điểm ngập còn chưa có hệ thống cống hoặc có nhưng đã cũ, không bảo đảm thoát nước; nhiều dự án chống ngập còn đang triển khai, chưa hoàn thiện…
Cần giải pháp chống ngập hiệu quả ảnh 1 Siêu máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. 
Cần áp dụng công nghệ mới
TS. Nguyễn Minh Hòa cho rằng công tác chống ngập thời gian qua còn khá manh mún, chắp vá, chưa có cách làm bài bản, trong khi nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Chúng ta có thể học hỏi một số phương pháp chống ngập hiệu quả trên thế giới phù hợp với điều kiện TP.
Thí dụ cách chống ngập của chính quyền TP Tokyo (Nhật Bản), chọn giải pháp xây hồ dưới lòng đất, dẫn nước về đó khi có mưa hoặc triều cường. Theo TS. Hòa, có thể làm ngay một số hồ chứa nước để thu nước mưa, trước mắt tại một số khu vực dễ bị ngập như khu Bàu Cát, Phú Lâm… 

Chúng ta có thể hình dung đấy là những hồ cực lớn được xây dựng kiên cố dưới lòng đất, mỗi khi có mưa dùng hệ thống bơm hút nước vào hệ thống ống dẫn về hồ chứa. Bên trên các hồ này có thể là công viên hay các bãi đậu xe. Đặc biệt, lượng nước thu về có thể dùng để tưới rửa.
Hiện nay chúng ta dùng nước sạch để tưới cây rất lãng phí, trong khi nước mưa lại không dự trữ được. Khi có điều kiện chúng ta sẽ làm đại trà với nhiều hồ lớn. “Tôi đã có dịp tìm hiểu các hồ tại Nhật Bản, rất quy mô, hệ thống thu gom, xử lý rất hiện đại, rộng như một quảng trường. TPHCM hoàn toàn có khả năng làm được như vậy. Còn cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước hiện nay chỉ là tạm thời, manh mún” - TS. Hòa nói. 
Cần giải pháp chống ngập hiệu quả ảnh 2 Lắp đặt hồ điều tiết chống ngập tại đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức.  
Tương tự, ngày 1-8 vừa qua, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là công ty VMC Group đã triển khai thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước được xây dựng trên đường Võ Văn Ngân, trước cổng nhà Văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức. Hồ điều tiết được xây dựng ngầm trong lòng đất, có sức chứa 109m3 nước mưa.
Thời gian thi công xây dựng hồ 7 ngày và sau đó tái lập mặt đường trả lại không gian bên trên và ô tô trọng tải dưới 25 tấn có thể đậu trên mặt hồ. Hồ điều tiết này sẽ tận dụng 95% lượng nước trong hồ để sử dụng tưới cây xanh và phòng cháy chữa cháy. Hồ điều tiết chống ngập nước này sẽ giúp giảm ngập nước cho đường Võ Văn Ngân đoạn từ đường số 6 đến Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức. 

 Trước đó, Tập đoàn Quang Trung (Ninh Bình) cũng đã được TP cho thí điểm dùng máy bơm thông minh chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) với cam kết của chủ đầu tư “không hết ngập không lấy tiền”. Trong bối cảnh đang vào giữa mùa mưa năm 2017, với hàng loạt dự án đang triển khai cùng với những giải pháp có tính đột phá, kỳ vọng sẽ ngày càng giảm “những dòng sông trên phố” khi cơn mưa kéo đến.

Các tin khác