Cần cơ chế thực hiện quy định "góp vốn bằng quyền sử dụng đất"

(ĐTTCO) - Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Luật Đất đai đã quy định người sử dụng đất có "quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất" để cùng làm ăn chung, hoặc góp vốn vào các dự án kinh tế, dự án nhà ở. 
Cần cơ chế thực hiện quy định "góp vốn bằng quyền sử dụng đất"
Đây là chính sách mới tương tự như chính sách của các nước tiên tiến, điển hình là Thụy Điển có nhiều hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã phát triển nhà ở. Nếu thực hiện theo phương thức này để chỉnh trang đô thị cũ, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới, khu nhà ở, khu công nghiệp, dịch vụ... cả người dân và chủ đầu tư đều có lợi. Khi đó, người dân góp tài sản là quyền sử dụng đất của mình sẽ được ưu đãi mua hoặc thuê nhà, tạo được sự đồng thuận xã hội; chủ đầu tư giảm được chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạn chế xung đột quyền lợi...
Tuy nhiên thời gian qua, phương thức này không phát huy tác dụng. Cụ thể, tại TPHCM dự án Khu đô thị Cảng biển Hiệp Phước có phương án vận động chủ đất góp vốn quyền sử dụng đất nhưng người dân không tham gia. 
Nguyên nhân do: Chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến phương thức người dân góp vốn vào dự án bằng quyền sử dụng đất; Chưa tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ lợi ích khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Chưa có cơ chế tổ chức thực hiện hiệu quả để dân tin. 
Bên cạnh đó, người dân chưa yên tâm về quyền lợi của mình trong quá trình thực hiện dự án; pháp luật chưa có cơ chế mạnh để bảo vệ cổ đông nhỏ trong doanh nghiệp cổ phần; quyền sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn, sau khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì chưa có cơ chế để đảm bảo người sử dụng đất được gia hạn thời gian thuê đất kỳ tiếp theo để đảm bảo quyền lợi khi góp vốn. 
Do đó, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế để khuyến khích người dân và chủ đầu tư thực hiện quyền góp vốn quyền sử dụng đất vào dự án.

Các tin khác