Bùng nổ doanh nghiệp BĐS

(ĐTTCO) - Tính đến 31-12-2016, TPHCM có 13.220 doanh nghiệp BĐS, 6 tháng đầu năm 2017, có thêm hơn 6.000 doanh nghiệp được thành lập. 
Điều này cho thấy thị trường BĐS đang có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư, nhưng với số lượng gần 20.000 doanh nghiệp liệu có làm cho thị trường tăng nóng hay thanh lọc những chủ đầu tư yếu kém?
Lắm thăng trầm

Những con số này cho thấy doanh nghiệp BĐS đang bùng nổ, nhưng cũng đặt ra vấn đề về năng lực hoạt động, tính chuyên nghiệp.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, cho biết: “Những quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh BĐS ngày càng được hoàn thiện, nên thời gian qua đã loại khá nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực. Khác với cách nay 10 năm trở về trước, doanh nghiệp chỉ cần xin được dự án là có lời, nay doanh nghiệp buộc phải có năng lực về tài chính, tính chuyên nghiệp trong triển khai dự án, nếu không đảm bảo những tiêu chí ấy sẽ khó trụ vững”.

Tại TPHCM, doanh nghiệp ra đời nhiều nhưng số doanh nghiệp phá sản hoặc ngày càng thu nhỏ quy mô hoạt động cũng không ít. Vào năm 2007-2008, đường Trần Não, Lương Định Của (quận 2) được xem là “phố địa ốc” của TPHCM, chỉ trên một tuyến đường ngắn có đến hàng trăm sàn môi giới lớn nhỏ. Nhưng đến nay những cái tên quen thuộc một thời trên tuyến đường này như Phúc Đức, Vinaland, Nhà Xinh… đã vắng bóng trên thị trường. Con đường này cũng không còn nhiều sàn môi giới như trước kia nữa.
Trong lĩnh vực BĐS, nói đến nhà đầu tư có tên tuổi không thể không nhắc đến Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên sau cơn khủng hoảng của thị trường giai đoạn 2009-2011, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn, tuyên bố bán tháo hàng loạt dự án và rút dần khỏi thị trường BĐS để chuyển sang đầu tư vào lĩnh nông nghiệp. Đến nay cái tên Hoàng Anh Gia Lai trên thị trường BĐS chỉ là quá khứ. 

Một cái tên khác cũng đình đám một thời là Vạn Phát Hưng. Đây là doanh nghiệp có rất nhiều quỹ đất, đầu tư khá nhiều dự án giai đoạn trước năm 2010 và đột phá trong công tác bán hàng… nhưng hiện nay doanh nghiệp này cũng không còn được mấy ai nhắc đến. Sự thăng trầm trong lĩnh vực môi giới cũng không kém, có doanh nghiệp cách đây vài năm có đến 300-400 nhân viên nhưng nay chỉ còn vài ba người.
Anh B., giám đốc một sàn giao dịch BĐS, chia sẻ nhân viên môi giới thường ăn theo dự án, doanh nghiệp nào đem dự án về nhiều sẽ thu hút được nhiều nhân viên, ngược lại họ sẽ bỏ đi nơi khác, vì thu nhập của nhân viên môi giới chủ yếu phụ thuộc vào tiền hoa hồng bán hàng, lương chỉ là tượng trưng. 
Bùng nổ doanh nghiệp BĐS ảnh 1 Khi thị trường BĐS phát triển, lực lượng môi giới được xem tiên phong "tả xung hữu đột" tìm khách hàng. Ảnh: LONG THANH
Nhiều sức hút
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP đã phát triển được 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở TP lên 157 triệu m2, bình quân đạt 18,47m2/người. Thị trường nhà ở thương mại trong 6 tháng đầu năm đã có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 16.506 căn, tổng giá trị cần huy động lên đến 30.599 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 5.164 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%, phân khúc trung cấp có 5.136 căn, chiếm tỷ lệ 31,1%, phân khúc bình dân có 6.206 căn, chiếm tỷ lệ 37,6%.
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và có tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016: Phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%. 

Ông Trần Anh Tâm, Chủ tịch Công ty Tài Nguyên, cho biết thị trường BĐS sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, dự báo trong giai đoạn 2017-2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Những doanh nghiệp có tiềm lực, dự án được đầu tư bài bản chuyên nghiệp sẽ thu hút khách hàng. Thị trường BĐS vừa tiềm năng nhưng cũng rất thử thách trong tình hình hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp mới tồn tại được. 

Các tin khác