Bức xúc nhà ở công nhân

Bình quân mỗi năm cả nước xây dựng được hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở; hiện nay diện tích nhà ở bình quân đầu người trong cả nước đã đạt 17,2m2/người. Tuy nhiên công nhân lao động, đặc biệt là công nhân làm việc trong các KCN vẫn rất khó khăn về chỗ ở.

Bình quân mỗi năm cả nước xây dựng được hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở; hiện nay diện tích nhà ở bình quân đầu người trong cả nước đã đạt 17,2m2/người. Tuy nhiên công nhân lao động, đặc biệt là công nhân làm việc trong các KCN vẫn rất khó khăn về chỗ ở.

Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trong cả nước, trong đó 70% là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở, nhưng hiện Nhà nước và các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được từ 7-10% nhu cầu về chỗ ở; trên 90% số lao động còn lại vẫn phải thuê nhà trọ bên ngoài.

Nguyên do là trong quá trình phát triển xây dựng các KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không quy hoạch đất để làm nhà ở. Nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa.

Trong khi thị trường bất động sản khó khăn, các chính sách khuyến khích hiện hành đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chưa đủ sức thu hút, khó thực hiện, khó vay được vốn với lãi suất ưu đãi, nên thời gian qua chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 65/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2015 khoảng 50% số công nhân lao động có nhu cầu sẽ được đáp ứng chỗ ở.

Đây là một nhiệm vụ hết sức bức bách, để thực hiện cần phải có quy hoạch, bố trí đất sạch để xây dựng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, bổ sung các nguồn vốn; bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải xây dựng nhà ở cho công nhân, xem đây là một trong những điều kiện để quyết định cấp phép đầu tư. Ngoài ra, để các khu nhà ở cho công nhân có đủ sức sống cần phải đa dạng hóa loại hình này.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng để phát triển nhà ở công nhân KCN, các địa phương cần quy hoạch xây dựng những khu đô thị đa chức năng gồm nhiều đường phố với nhà nhiều tầng, riêng tầng trệt được bán rộng rãi theo giá thương mại. Khu đô thị này có chính quyền quản lý với nhân lõi ban đầu là nhà ở xã hội. Ngoài ra, cần giao chỉ tiêu phát triển nhà ở công nhân cho từng địa phương căn cứ trên chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết để huy động các nguồn lực phát triển quỹ nhà cho công nhân, TP Hà Nội đã thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê trong các KCN.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tích cực tham gia phát triển nhà ở công nhân và cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở công nhân cho phù hợp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia chương trình này, đặc biệt là chính sách về đất đai, quy hoạch và thuế.

Nhà nước cũng sẽ có các chế tài để buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động và các địa phương thực hiện chính sách phát triển nhà ở cho công nhân.

Các tin khác