BRT không ảnh hưởng tiêu cực giao thông TPHCM

(ĐTTCO)Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, chủ đầu tư xây dựng tuyến BRT (xe buýt nhanh) đầu tiên của TPHCM, do chọn đường lớn để xây dựng nên khi đi vào hoạt động, tuyến BRT này sẽ không “làm khó” các phương tiện cùng lưu thông khác.

(ĐTTCO)Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, chủ đầu tư xây dựng tuyến BRT (xe buýt nhanh) đầu tiên của TPHCM, do chọn đường lớn để xây dựng nên khi đi vào hoạt động, tuyến BRT này sẽ không “làm khó” các phương tiện cùng lưu thông khác.

Đường to mới làm BRT 

Tuyến buýt nhanh đầu tiên của TPHCM được xây dựng trên suốt chiều dài của đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Đây là tuyến đường mà mỗi chiều có tới 3 làn đường dành cho ô tô và 1 làn đường dành cho xe gắn máy 2 bánh. TPHCM sẽ lấy “bớt” một làn đường ô tô mỗi chiều, sát với dải phân cách giữa để làm đường cho xe buýt nhanh chạy.

Do vậy, theo ông Lương Minh Phúc, với 3 làn đường còn lại, các phương tiện giao thông khác hoàn toàn có thể lưu thông bình thường. Ở một số đoạn mà đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ bị thu hẹp, Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM đã có kế hoạch cải tạo, mở rộng để đảm bảo cho việc lưu thông trên toàn tuyến được thông suốt.

 

Giải pháp này không chỉ được áp dụng cho tuyến BRT đầu tiên, mà với cả những tuyến BRT sau này, TPHCM đã có chủ trương ưu tiên chọn những tuyến đường lớn, ít nhất mỗi chiều lưu thông phải có 3 làn đường trở lên mới nghiên cứu xây dựng tuyến BRT.

Chủ trương này đã được xác định rõ trong đồ án quy hoạch phát triển hệ thống BRT ở TPHCM. Theo đó, các tuyến BRT sẽ được xây dựng ở các tuyến đường vành đai, các trục giao thông chính như đường Phạm Văn Đồng, đường Vành đai 2…

Việc xây dựng các tuyến BRT trong khu vực nội đô, trên các tuyến đường nhỏ sẽ được nghiên cứu kỹ, trước khi tiến hành. BRT là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, có thể tương đương với sức chở của metro. Chi phí xây dựng BRT lại chỉ bằng khoảng 1/10 so với metro. Tuy nhiên, bất cập của BRT là sử dụng đường hiện hữu để lưu thông, nên tuy rẻ hơn nhưng do nhược điểm này mà việc xây dựng BRT được cân nhắc rất cẩn trọng. 

Thế nhưng, nếu sử dụng đường lớn làm BRT, tất cả các phương tiện giao thông đều  lưu thông…thuận lợi và nhanh như BRT thì sức hấp dẫn của BRT không lớn. Theo ông Lương Minh Phúc, hệ thống BRT TPHCM sẽ phải lấy chất lượng phục vụ làm lợi thế. Nhà ga, trạm dừng đưa, đón khách sẽ phải xây dựng thuận tiện cho người dân có thể tiếp cận an toàn.

Tất cả nhà chờ của tuyến BRT đầu tiên sẽ được thiết kế sát dải phân cách giữa, do vậy sẽ có một hệ thống cầu vượt đưa người dân từ trong vỉa hè ra, vào đây. Các ga và nhà chờ sẽ được xây dựng để có thể che mưa, nắng cho hành khách.

Kết nối để nâng cao hiệu quả của BRT

Dự án đầu tư xây dựng tuyến BRT đầu tiên của TPHCM đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết. Dự kiến đến quý 3-2016 sẽ hoàn thành công tác này và đến quý 4-2016 sẽ tiến hành đấu thầu, chọn nhà thầu thi công. Nếu việc chọn thầu diễn ra đúng kế hoạch, dự kiến đến quý 1-2017, công trình sẽ chính thức được khởi công xây dựng. Thời gian thi công dự kiến đến hết tháng 12-2017. Sau đó, công trình sẽ có 3 tháng vận hành thử trước khi chính thức đi vào hoạt động. Theo ông Lương Minh Phúc, cho đến thời điểm hiện nay, tiến độ thực hiện dự án vẫn đảm bảo.

Theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến sau năm 2020, hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM sẽ bao gồm các loại hình vận tải: metro, BRT, xe buýt các loại, taxi. Các loại hình vận tải này sẽ được tổ chức thành một mạng lưới liên hoàn, hỗ trợ nhau trong việc phục vụ người dân.

Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, khẳng định nếu không có được một mạng lưới tuyến phù hợp, hiệu quả hoạt động của vận tải hành khách công cộng sẽ khó đạt như kỳ vọng. Có lẽ vì vậy, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo rà soát lại việc phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó đặc biệt lưu ý đến tính kết nối giữa các loại hình vận tải.

Riêng đối với tuyến BRT đầu tiên của thành phố, ngay tại các nhà chờ hoặc nhà ga của tuyến đều có các tuyến xe buýt kết nối đến. Các tuyến buýt này đảm bảo đưa hành khách vào trung tâm thành phố thuận tiện.

Các tin khác