Bộ Xây dựng không can thiệp kinh doanh của DN

Mặc dù việc thí điểm hình thành hai tập đoàn kinh tế ngành Xây dựng chưa đạt như kỳ vọng ban đầu nhưng nếu kịp thời tổ chức lại sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việc quản lý các Tổng công ty sau khi kết thúc thí điểm hình thành hai Tập đoàn của Bộ Xây dựng sẽ không giống như mô hình Bộ chủ quản trước đây.

Mặc dù việc thí điểm hình thành hai tập đoàn kinh tế ngành Xây dựng chưa đạt như kỳ vọng ban đầu nhưng nếu kịp thời tổ chức lại sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việc quản lý các Tổng công ty sau khi kết thúc thí điểm hình thành hai Tập đoàn của Bộ Xây dựng sẽ không giống như mô hình Bộ chủ quản trước đây.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết xung quanh vấn đề này.

- Xin Thứ trưởng cho biết những kinh nghiệm rút ra qua quá trình thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam?

Thứ trưởng TRẦN VĂN SƠN: Khác với các Tập đoàn kinh tế khác được hình thành từ một Tổng công ty 91, hai tập đoàn này được hình thành trên cơ sở tổ chức lại 11 Tổng công ty 90 của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam chọn Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam chọn Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị làm nòng cốt.

Qua thời gian thực hiện thí điểm cho thấy cái đạt được chưa nhiều, nhất là mục tiêu hình thành những Tập đoàn xây dựng lớn để trở thành tổng thầu các dự án lớn, tham gia điều tiết thị trường bất động sản và là công cụ để thực hiện chương trình phát triển đô thị.

Kết quả sản xuất kinh doanh cũng cho thấy một số chỉ tiêu tài chính của các Công ty mẹ còn giảm đi do phải gánh vác thêm những tồn tại yếu kém của một số Công ty con.

Bên cạnh đó, việc hình thành hai Tập đoàn được thực hiện trên cơ sở liên kết hành chính nhưng ngành nghề kinh doanh chính giữa Công ty mẹ và các Tổng công ty con; giữa các Tổng công ty con với nhau còn trùng lặp dẫn đến cạnh tranh nội bộ, xung đột lợi ích vì Công ty mẹ và các Tổng công ty con không thể cùng tham gia dự thầu một công trình, dự án.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc thí điểm có thể không đạt mục tiêu ban đầu nhưng quan trọng là khi phát hiện ra, chúng ta đã kịp thời tổ chức lại để các doanh nghiệp đó hoạt động hiệu quả hơn.

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định kết thúc thí điểm hình thành hai Tập đoàn và chuyển Công ty mẹ, các Tổng công ty thành viên về trực thuộc Bộ Xây dựng, vai trò của Bộ trong việc Tái cơ cấu hai Tập đoàn này ra sao?

- Việc quản lý các Tổng công ty sau khi kết thúc thí điểm hình thành hai Tập đoàn của Bộ Xây dựng không giống như mô hình Bộ chủ quản trước đây. Bộ không can thiệp trực tiếp vào công tác quản lý, điều hành kinh doanh của doanh nghiệp mà quản lý với tư cách là chủ sở hữu cấp trên theo quy định pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ chính của Bộ là quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, phê duyệt điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm năm, phê duyệt chủ trương để thành lập công ty con, thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý, điều hành của Hội đồng thành viên, bộ máy điều hành của Tổng công ty theo các quy định của pháp luật

Ngoài ra, việc giao cho Bộ quản lý các Tổng công ty xây dựng cũng tạo điều kiện để ngành Xây dựng triển khai các chương trình, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là Chương trình Phát triển nhà ở xã hội, Chương trình Xóa đói giảm nghèo… Bộ Xây dựng cũng đồng thời chỉ đạo các Tổng công ty hoàn thành tốt việc thi công các công trình trọng điểm Nhà nước, các công trình mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác chưa có điều kiện tham gia.

- Đối với những doanh nghiệp thuộc hai Tập đoàn trước đây đang gặp nhiều khó khăn, theo Thứ trưởng, Bộ Xây dựng đã có giải pháp nào để tháo gỡ cho các doanh nghiệp?

- Trước mắt, ngoài việc nhanh chóng ổn định tổ chức, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các Tổng công ty tập trung tháo gỡ nhằm giảm bớt khó khăn cho những doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các Tổng công ty khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó phân tích, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp tái cơ cấu phù hợp đối với từng doanh nghiệp; kiên quyết thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường để giảm bớt đầu mối và chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình.

Cùng đó, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt các Tổng công ty khẩn trương cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Hiện nay chúng ta đang chọn mô hình phân công, phân cấp thực hiện các quyền-trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Vậy tại sao Việt Nam không chọn mô hình thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý tất cả các doanh nghiệp nhà nước như một số nước trên thế giới đang áp dụng? Thứ trưởng hãy cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Trên thế giới, các nước đều có doanh nghiệp Nhà nước nhưng số lượng không nhiều. Tùy điều kiện phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của từng nước và ở từng thời kỳ mà việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện với những mô hình, cách thức khác nhau. Nhưng nhìn chung, doanh nghiệp Nhà nước ở các nước chiếm tỷ trọng nhỏ, số lượng ít, đặc biệt là rất ít nước có doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Còn ở Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước còn duy trì với số lượng lớn, hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; trong đó có hơn 1.300 doanh nghịêp có 100% vốn Nhà nước và nhiều doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Những doanh nghiệp Nhà nước này đang là lực lượng nòng cốt để đảm bảo kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế với tỷ trọng trên 1/3 GDP hàng năm, tạo ra gần 20% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm khoảng 40% đầu tư toàn xã hội.

Từ thực trạng này, đòi hỏi phải lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp Nhà nước sao cho phù hợp với đặc thù của nền kinh tế nước nhà trên cơ sở phân công, phân cấp hợp lý việc thực hiện các quyền, trách nhiệm nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với nhóm doanh nghiệp này.

Hiện nay, chúng ta chưa thể có một cơ quan chuyên trách, đủ cán bộ am hiểu tất cả các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để quản lý toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước vì số lượng này còn quá nhiều và hoạt động ở mọi lĩnh vực. Hơn nữa, Nhà nước là một thể thống nhất, bất kể cấp quản lý nào cũng là đại diện cho nhà nước. Vì thế, nếu các Bộ tổng hợp và quản lý chuyên ngành được phân công thay Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm là người đại diện chủ sở hữu thì về bản chất, đó chỉ là cụ thể hóa sự phân cấp cho phù hợp với tình hình thực tế mà thôi.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng

Các tin khác