BĐS nghỉ dưỡng, đòn bẩy phát triển du lịch

(ĐTTCO) - Quy hoạch phát triển ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020 đón 10,5 triệu khách quốc tế và 47,5 triệu khách trong nước, tuy nhiên mục tiêu này đã cán đích sớm 4 năm. 
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2016 cán đích 10 triệu, khách trong nước đạt 62 triệu. Thực tế này tạo áp lực với hạ tầng du lịch, và gia tăng nhu cầu lưu trú. Do vậy, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cần đẩy mạnh phát triển BĐS nghỉ dưỡng để hoàn thiện hạ tầng du lịch.
Hạ tầng du lịch không đáp ứng lượng khách
Trong bối cảnh 2 ngành công nghiệp, nông nghiệp gặp khó khăn hiện nay, du lịch sẽ là một động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi Việt Nam có khả năng thành công cao trong phát triển du lịch nhờ tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.
Một nghiên cứu do KPMG thực hiện gần đây cho thấy, trong bảng xếp hạng 136 quốc gia mạnh về tiềm năng phát triển du lịch trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 77 về tiềm năng phát triển du lịch. Cụ thể về thế mạnh thiên nhiên đứng thứ 54, văn hóa đứng thứ 34, con người đứng thứ 37, giá cả đứng thứ 35, nhìn chung các chỉ số của Việt Nam khá cao.
Thực tế những năm qua ngành du lịch đang tăng trưởng nóng, hầu hết các chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã bị phá vỡ. Giai đoạn 2011-2016, khách nội địa tăng từ 30 triệu lên 62 triệu, khách quốc tế tăng từ 6 triệu lên 10 triệu. Trong khi đó, mục tiêu quy hoạch phát triển ngành du lịch đề ra đến 2020 đón 10,5 triệu khách quốc tế, và 47,5 triệu khách trong nước.
Nhưng dù ngành du lịch tăng trưởng nóng những năm qua, lượng khách đến Việt Nam năm 2016 vẫn thua xa nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/2 Malaysia, thua cả những quốc gia thành phố du lịch như Singapore, Hồng Công… 

Trước tiềm năng lớn về phát triển du lịch, tháng 1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW (NQ08) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa mục tiêu đến năm 2020 ngành du lịch thu hút từ 17-20 triệu khách quốc tế, 71 triệu khách nội địa, và đạt doanh thu khoảng 35 tỷ USD.
Đi kèm với mục tiêu thu hút khách du lịch, NQ08 cũng đề cập đến sự phát triển hạ tầng du lịch, tăng số buồng, phòng khách sạn lưu trú từ 350.000 phòng (năm 2015) lên 580.000 buồng (năm 2020), đạt 750.000 (năm 2025) và 900.000 buồng vào năm 2030. 
BĐS nghỉ dưỡng, đòn bẩy phát triển du lịch ảnh 1 BĐS nghỉ dưỡng ven biển, tiềm năng thu hút khách du lịch 
Phát triển hạ tầng gắn với BĐS nghỉ dưỡng
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, để đạt mục tiêu thu hút khách du lịch tăng từ 1,5-2 lần phải tăng tốc phát triển BĐS nghỉ dưỡng, tăng số lượng phòng khách sạn lưu trú phục vụ du khách. Nhưng đặc tính của ngành du lịch là theo mùa, số buồng, khu nghỉ dưỡng thường được lấp đầy vào mùa cao điểm, nên cần tính toán đến hiệu quả kinh tế khi phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Thông thường các khách sạn trong thành phố có thể đạt tỷ lệ lấp đầy phòng từ 78-85%, nhưng các khách sạn ven biển chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình từ 40-50%.
Ông Đỗ Chí Hiếu, Giám đốc đầu tư lĩnh vực BĐS Tập đoàn Vina Capital, cho biết Việt Nam đang trên đà trở thành điểm đến hàng đầu khu vực về BĐS nghỉ dưỡng, là một trong những nước có lượng khách tăng trưởng mạnh, hạ tầng du lịch tiếp tục được chú trọng phát triển, nên cung phòng khách sạn ở Việt Nam đang tăng trưởng rất cao.
Vậy nên, hiệu quả để đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng rất lớn, đặc biệt ở hai thị trường Hà Nội và TPHCM. Xu hướng chính của nhà đầu tư hiện nay là đầu tư những dự án giá trị, đó là xây dựng những điểm đến có giá trị, việc khai thác đầu tư theo dòng tiền hiện nay cực kỳ cao. Các loại hình BĐS nghỉ dưỡng cũng đang có sức hút lớn với dòng vốn FDI. 
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch hiện nay vẫn chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn du khách. Một trong những sản phẩm du lịch được ít quan tâm là khu vui chơi giải trí tổng hợp. Tại Hà Nội và TPHCM chỉ có một vài khu như Công viên nước Hồ Tây, Tuần Châu Eco Park, khu Suối Tiên…
Theo khảo sát của Vina Capita, khoảng 60% khách du lịch quốc tế sẽ đến các khu vui chơi giải trí phức hợp nếu được quảng cáo đúng. Và nguồn thu từ dịch vụ này cực lớn. Hơn nữa, để phát triển du lịch cần đẩy mạnh quảng bá, bởi mỗi khu vực, mỗi nước đều đón tiếp những lượng khách du lịch khác nhau với văn hóa khác nhau, nếu không quan tâm đầu tư, quảng bá sẽ rất dễ nhàm chán với du khách.
Đại diện cho địa phương dẫn đầu về phát triển BĐS nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Hoạt, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng Khánh Hòa, cho biết có rất nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng đã và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư tại thành phố Nha Trang, có dự án đã đưa vào khai thác kinh doanh, bao gồm căn hộ du lịch (HomeAway) nằm trong các tòa nhà cao tầng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa thực sự sôi động trong khoảng 4 năm nay và được rất nhiều nhà đầu tư chào đón như một hiện tượng, kể cả đối với các nhà đầu tư thứ cấp. Tính đến nay có hơn 15 dự án liên quan với khoảng hơn 15.000 căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) đã, đang triển khai xây dựng, trong đó có hơn 2.000 căn đã đưa vào khai thác kinh doanh.
Đối với các dự án biệt thự nghỉ dưỡng được xây dựng tập trung tại khu vực Bãi Dài, khu vực đảo Hòn Tre với hơn 2.000 căn biệt thự, trong đó có khoảng 1.000 căn đã đưa vào khai thác kinh doanh. Theo kế hoạch trong 3 - 5 năm nữa, BĐS nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa sẽ đưa ra thị trường khoảng 17.000 sản phẩm mới, trong đó có 1.500 căn biệt thự và 15.500 căn hộ du lịch.
Tuy nhiên, các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng như condotel hay officetel sản phẩm BĐS mới, nên các văn bản pháp luật liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ du lịch, cũng như quy định về quản lý vận hành vẫn còn chưa rõ ràng, dẫn đến xảy ra những xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng, chưa đảm bảo về an ninh trật tự, cơ chế thuế…
Vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện hành lang pháp lý về các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng mới này, bản chất condotel là một dạng tài sản và theo thỏa thuận dân sự người dân có quyền chuyển nhượng, nên Nhà nước cần tham gia vào thỏa thuận mua bán để bảo đảm quyền lợi người dân.

Các tin khác