BĐS khởi sắc: phải đợi đến cuối 2013

(ĐTTC) - Các chuyên gia đều nhận định, nói đến sự hồi phục của thị trường BĐS thời điểm này là hơi sớm, ít nhất là phải đến cuối năm 2013, khi ngân hàng hoàn tất tái cấu trúc, vốn cho BĐS được khơi thông, thị trường mới có thể có những dấu hiệu tích cực.

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, “di sản” của các nhà đầu tư BĐS năm 2013 là khoản nợ khồng lồ tại các NHTM và lượng hàng tồn kho “khủng” với số lượng lên đến hàng triệu m2 sàn xây dựng từ nhiều năm trước cộng lại.

BĐS là một trong những ngành hàng có mức giảm điểm mạnh nhất trên sàn chứng khoán, hiệu quả kinh doanh thấp nhất. Xét trong nhóm 12 doanh nghiệp BĐS niêm yết có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2011, tại thời điểm quý II/2012, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) sụt giảm từ 25,2 về mức 7,9%. Tác động 2 chiều của thị trường BĐS đến kinh tế vĩ mô là vô cùng lớn. Bức tranh của thị trường năm 2013 được dự báo là chưa có tín hiệu đi lên.

Nguy cấp thế nhưng theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, để giải cứu cho địa ốc cần phải kích cầu "một cách từ từ, tránh nóng vội". Theo ông Thắng, BĐS sẽ hồi sinh sớm nếu có những chính sách đúng đắn bởi nguồn lực cho thị trường vẫn rất lớn.

Trung bình mỗi năm lượng kiều hối đổ về trong nước khoảng 10 tỷ USD. Ngoài ra, lượng vàng nhập khẩu ròng của cả nước khoảng 500 tấn (tương đương 28 tỷ USD), nếu tính cả lượng vàng được tích lũy dưới nhiều hình thức như vàng miếng, vàng nữ trang thì khối dự trữ vàng trong dân hiện nay khoảng gần 40 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, hiện thị trường BĐS vô cùng yếu. Thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp BĐS đều bị thua lỗ, không ít trường hợp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, hàng tồn kho lớn; sức mua kém; hàng tồn kho cao… Để giải quyết được tất cả những vấn đề này không phải một sớm một chiều.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP – Invest), để thị trường BĐS ấm lên cần có nguồn vốn ổn định. Điều này phụ thuộc  rất lớn vào việc tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng. Ít nhất phải đến cuối 2013, khi ngân hàng cấu trúc xong, thị trường BĐS mới có thể khởi sắc trở lại.

Đồng tình với quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến các chủ đầu tư địa ốc, nhất là doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào ngân hàng.

Trong năm 2013, khả năng nhiều dự án giá thấp sẽ xuất hiện và nếu đầu ra được khơi thông thì địa ốc sẽ sớm phục hồi. Trọng tâm phải đi tìm lời giải cho hàng chục nghìn căn hộ đang tồn đọng. Và mấy chốt vấn đề là các nhà đầu tư sẽ buộc phải chịu lỗ để tự cứu mình..

Đại diện NHNN, ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng tín dụng, Vụ tín dụng NHNN lại cho rằng DN cũng không nên chờ nhà băng tái cơ cấu mới triển khai dự án mà cần tự cân đối dòng tiền để có thể sống được trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo ông Tần, năm 2013, ngành ngân hàng tiếp tục đầu tư cho xây dựng nhà ở và thị trường BĐS, tập trung nguồn vốn cho vay đối với nhà ở cho các đối tượng xã hội, các công trình sắp hoàn thành hoặc đang triển khai đúng tiến độ để sớm đưa sản phẩm ra thị trường đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án thuộc phân khúc thị trường không phù hợp và đang gặp khó khăn, như các dự án nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê...

Các tin khác