BĐS Hà Nội - Diễn lại kịch bản cũ

Những bài học từ cơn sốt giá đất Ba Vì năm trước không ngăn được giới đầu cơ tiếp tục đổ xô đến những vùng dự kiến có quy hoạch ở ngoại thành Hà Nội để mua gom đất, tạo nên một cơn sốt giá mới.

Những bài học từ cơn sốt giá đất Ba Vì năm trước không ngăn được giới đầu cơ tiếp tục đổ xô đến những vùng dự kiến có quy hoạch ở ngoại thành Hà Nội để mua gom đất, tạo nên một cơn sốt giá mới.

Có tin quy hoạch là tăng giá

Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ ở khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Văn Điển, Chương Mỹ… đột ngột “lên đời” nhờ đất. Không hẹn mà giá đất ở những khu vực này đồng loạt tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước. Giá đất làng ở quanh cầu Nhật Tân (Đông Anh) đã lên mức xấp xỉ 90 triệu đồng/m2 đất mặt đường, thấp nhất 50 triệu đồng/m2. Ở một số xã thuộc huyện Sóc Sơn, giá đất lên đến 20-25 triệu đồng/m2, đất trong làng tăng 5-6 triệu đồng/m2. Còn ở Văn Điển, giá đất ngõ rộng vọt lên 40-45 triệu đồng/m2.

Nguyên nhân xảy ra cơn sốt đất đồng loạt này không hề mới, vẫn tiếp tục xuất phát từ tin đồn về quy hoạch nhiều dự án ở những khu vực này, như di dời các trường đại học và bệnh viện về đây; xây dựng thành phố ven sông Hồng; xây dựng những khu đô thị mới… Thậm chí, theo một số chuyên gia BĐS, nó gần như diễn lại kịch bản của sốt đất Ba Vì hay Mỹ Đình trước đây. Ngay nhiều doanh nghiệp BĐS cũng phải kinh ngạc khi thấy giới đầu cơ Hà Nội quá hăm hở và dễ bị lôi cuốn bởi tin đồn.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Cường Phát, so sánh dự án của công ty này ở xã Minh Phú (Sóc Sơn) đã làm xong đường nội bộ 5m xung quanh, cách mặt đường quốc lộ 5m, trên đường vào sân golf, gần bến xe buýt, sát một khu đô thị khác, đã chia lô từ 70-90m2 giá chỉ trên dưới 3 triệu đồng/m2, trong khi giá đất ở nhiều xã xa hơn, khơng có hạ tầng lại lên đến 30-40 triệu đồng/m2 chỉ do có thông tin về một quy hoạch mới.

Cơ quan quản lý, giám sát đang ở đâu?

Giá đất tại Chương Mỹ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước.

 Giá đất tại Chương Mỹ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước.

Nhiều chuyên gia BĐS đã chỉ ra rằng tư duy đầu tư của giới đầu tư Hà Nội khá lạ lùng và điều này đã làm khó cơ quan chức năng khi muốn kìm cơn sốt vào thời điểm một quy hoạch nào đó được công bố. Thị trường BĐS Hà Nội chịu ảnh hưởng tâm lý hết sức nặng nề và hình thức mua bán theo kiểu rỉ tai nhau vẫn phổ biến. Thói quen này đã khiến nhà đầu tư BĐS luôn có tâm lý “đi tắt đón đầu” mỗi khi có thông tin quy hoạch dù chưa biết có chính xác hay không. Mặt khác, sự khó khăn khi tiếp cận nguồn cung đã tạo nên phương thức đầu tư này ở miền Bắc.

Ở thị trường TPHCM, khách hàng có thể mua lẻ từng căn từ chủ đầu tư, còn ở Hà Nội điều này gần như không tưởng. Một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ đã nhận xét: dự án nào càng mập mờ, kém minh bạch, khó khăn để mua lại càng cuốn hút các nhà đầu tư miền Bắc. Chính vì thế, trừ một số nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, số còn lại dễ dàng trở thành miếng mồi cho tin đồn hoặc giới cò nhà đất. 

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò quản lý, giám sát, điều tiết của cơ quan nhà nước còn mờ nhạt, các chính sách chỉ mang tính ngắn hạn, tạm thời. Dập tắt được cơn sốt giá đất Ba Vì nhưng lại bó tay với cơn sốt ở Mỹ Đình, Sóc Sơn, Đông Anh… Sự hẫng hụt về chính sách đã kéo dài từ năm này qua năm khác khiến việc quản lý đất đai và kinh doanh BĐS thêm lỏng lẻo. Không thể ngăn được đầu cơ BĐS đồng nghĩa với việc các cơn sốt giá đất liên tục tái diễn và giá đất xác lập những mặt bằng mới. Điều này lý giải tại sao dù “bổn cũ soạn lại” nhưng những cơn sốt giá đất vẫn có thể tiếp tục hòanh hành thị trường BĐS.

Các tin khác