Báo động chim bay, chó chạy… trong phi trường!

(ĐTTCO) - Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành hàng không liên tục ghi nhận các hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN), như chim bồ câu bay đậu vào khu hoạt động bay, thả diều, chiếu đèn laze vào buồng lái tàu bay… trong khu vực phễu bay. Nghiêm trọng hơn, tại đường băng có tình trạng chó xông ra khiến tàu bay không hạ cánh được phải bay lòng vòng.

(ĐTTCO) - Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành hàng không liên tục ghi nhận các hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN), như chim bồ câu bay đậu vào khu hoạt động bay, thả diều, chiếu đèn laze vào buồng lái tàu bay… trong khu vực phễu bay. Nghiêm trọng hơn, tại đường băng có tình trạng chó xông ra khiến tàu bay không hạ cánh được phải bay lòng vòng.

Uy hiếp an toàn bay

Theo Cảng vụ Hàng không Miền Nam (HKMN), từ đầu năm đến nay phi công của một số hãng hàng không tiếp tục phản ánh về tình trạng thả diều, chiếu đèn laze vào buồng lái tàu bay… trong khu vực phễu bay, cách sân bay TSN khoảng 5-6km. Điều đáng nói, các hiện tượng trên xảy ra khi tàu bay đang hoạt động trong giai đoạn hạ, cất cánh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm soát tàu bay của phi công, uy hiếp an toàn của tàu bay.

Tại khu vực 2 đầu đường hạ, cất cánh sân bay TSN, nhiều lần xuất hiện hàng đàn chim bồ câu bay vào sân đậu tàu bay, chó nuôi xâm nhập vào khu hoạt động bay, cá biệt xảy ra trường hợp chó xông ra đường băng khiến tàu bay không hạ cánh được phải bay vòng.

Một nguồn tin từ Cảng TSN, khoảng 3 tháng trở lại đây, mỗi buổi sáng luôn xuất hiện một đàn chim bồ câu gần 30 con đậu trong khu vực sân đậu tàu bay gần đường hạ, cất cánh; đồng thời xảy ra 10 vụ chó xâm nhập vào khu bay gây uy hiếp an toàn hoạt động bay. Đơn cử tháng 2 vừa qua, chuyến bay VN208/SGN-HAN đang lăn trên đường băng thì phát hiện có chó trên đường cất, hạ cánh; chuyến bay BL781/HAN-SGN phải bay lại vì phát hiện có chó ở đầu đường băng về sân đỗ.

Chưa dừng lại, tại khu vực dân cư thuộc phường 2, 4, 10 và 15 (Tân Bình); phường 3 và 10 (Gò Vấp)... vẫn còn nuôi chim bồ câu, nuôi thả chó... trong khu vực an toàn bay. Còn theo phản ánh của phi công một số hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air… đã xảy ra 1 vụ thả diều phía đầu đường cất cánh 07R (khu vực giáp đơn vị quân đội, đường Mã Lò, quận Tân Phú); 3 vụ chiếu đèn laze vào buồng lái phi công (khoảng thời gian từ 19 giờ 30 tối về khuya) khi tàu bay hạ thấp độ cao khoảng 300m để vào khu vực phễu bay tiếp cận đường cất, hạ cánh sân bay.

Nguyên nhân theo Cảng vụ HKMN, do một số khó khăn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị. Cụ thể, việc phát hiện, thông báo và tiếp nhận thông tin giữa phi công của hãng hàng không, kiểm soát viên không lưu, Cảng TSN, Cảng vụ HKMN về các trường hợp chiếu laze, thả diều… còn chưa rõ ràng về tọa độ... nên khó xác định vị trí chính xác nhằm kịp thời ngăn chặn.

Đối với các đơn vị thuộc cơ quan công an, chính quyền các cấp TPHCM, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và Đồng Nai, công tác phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng... chưa đồng bộ, thường xuyên và liên tục.

Thời gian gần đây, an toàn hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất bị đe dọa bởi hành vi chiếu đèn laze, thả diều, thả súc vật… liên tục xảy ra. Ảnh: LAN ANH

Thời gian gần đây, an toàn hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất
bị đe dọa bởi hành vi chiếu đèn laze, thả diều, thả súc vật… liên tục xảy ra. Ảnh: LAN ANH

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Liên quan đến tình trạng đèn laze chiếu vào buồng lái, Cảng vụ HKMN cho hay, do địa bàn các phường trong khu vực hoạt động an toàn bay khá rộng, nên việc triển khai lực lượng và tìm kiếm rất khó khăn. Mặt khác, công tác phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn các hành vi nuôi thả động vật tại các khu vực dân cư quanh sân bay đôi lúc thiếu chủ động, chưa có kế hoạch cụ thể.

Trước đó, năm 2016, theo phản ánh của phi công các hãng hàng không phát hiện gần 20 trường hợp thả diều, chiếu đèn laze vào buồng lái gây uy hiếp an toàn hoạt động của tàu bay.

Trước tình trạng trên, Cảng vụ HKMN cho biết cần có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp đồng bộ từ Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không, Công an, UBND cấp tỉnh, thành phố (gồm TPHCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai), tới UBND các quận, thị xã, phường trên toàn bộ khu vực địa giới hành chính có đường bay bay qua.

Từ đó, nhằm tuyên truyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi làm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay tại sân bay TSN. Đồng thời, thiết lập và duy trì chặt chẽ liên lạc, trao đổi thông tin hai chiều giữa các cơ quan, đơn vị tại Cảng TSN với chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay.

Mặt khác, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương cần duy trì đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin từ Cảng TSN cũng như các tổ chức, cá nhân, phản ánh về tình trạng chiếu đèn laze, thả diều, vật thể bay và các hành vi khác làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng.

Cảng vụ HKMN cũng kiến nghị chính quyền địa phương chủ động phối hợp trực tiếp với Cảng TSN, Cảng vụ HKMN tuyên truyền, phổ biến và ký cam kết với các tổ chức, cá nhân, quản lý các điểm văn hóa, tổ chức sự kiện, ca nhạc, chủ các dự án, nhà hàng… không vi phạm quy định bảo đảm an toàn và an ninh hàng không.

Qua rà soát, kiểm tra thực tế, Cảng vụ HKMN phát hiện một số tồn tại tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động bay: Các nhà số 725/80, 725/66/19; 725/66/21 và 728/94 đường Trường Chinh (quận Tân Phú) có lắp các bồn nước quá độ cao cho phép; khu vực dự án nhà cao tầng Trung tâm thể thao và khu dân cư Tân Thắng (quận Tân Phú) hiện có các cần cẩu thi công tòa nhà cao tầng; khu dự án Vạn Phúc Riverside (quận Thủ Đức) đang xây dựng các công trình nhà cao tầng nằm ngay trục đường máy bay bay qua; khu vực các đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị, Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) có nhiều nhà cao tầng có tum mái ngói, bồn nước cao.

Các tin khác