Bán nhà, không bán… tường?

(ĐTTCO) - Nhiều hộ dân ở quận 3, TPHCM mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ đã phát hiện những bất hợp lý nên kiện ra tòa đòi quyền lợi. Tuy nhiên, cả 9 phiên tòa bị đơn vắng cả 9 không lý do.

(ĐTTCO) - Nhiều hộ dân ở quận 3, TPHCM mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ đã phát hiện những bất hợp lý nên kiện ra tòa đòi quyền lợi. Tuy nhiên, cả 9 phiên tòa bị đơn vắng cả 9 không lý do.

Theo đơn trình bày của ông Nguyễn Xuân Minh (chủ căn nhà số 116/12A Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3) và nhiều hộ gia đình tại khu vực này, năm 2008 UBND quận 3 bán căn nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP tại số 116/12A Trần Quốc Toản, phường 7, nhưng không lập “Bản vẽ hiện trạng” và bán nhà ở, đất ở mà các hộ dân nơi đây đã quản lý và sử dụng lâu dài không đúng hiện trạng thực tế.

“UBND quận 3 bán nhà nhưng không bán tường xung quanh, tường ngăn các phòng, tường phòng vệ sinh, cầu thang, ban công chỉ bán một nửa, tường riêng lại vẽ thành tường chung” - ông Nguyễn Xuân Minh cho biết. Sự việc cứ thế kéo dài từ năm này sang năm khác với nhiều cơ quan vào cuộc, nhưng cũng chẳng đến đâu vì tất cả đều khẳng định đã “đúng quy trình và đúng sự việc”.

Ông Minh đã đưa sự việc ra tòa. “Nhiều năm nay chúng tôi đã kiến nghị và khiếu nại nhưng các cơ quan chức năng vẫn lờ đi, buộc tôi phải khởi kiện ra tòa vì ra các văn bản ban hành sai” - ông Minh nói. Nhiều phiên hòa giải và xét xử diễn ra, tuy nhiên nhiều đơn vị có nghĩa vụ liên quan lại vắng như trường hợp Công ty Dịch vụ công ích quận 3.

Người dân khổ sở vì kiểu bán nhà nửa vời.

Người dân khổ sở vì kiểu bán nhà nửa vời.

Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm chỉ thụ lý vụ việc cho có lệ. “Trước khi xử, tòa án chỉ dựa vào hồ sơ của một số cơ quan cung cấp, không xuống khảo sát, xác minh thực tế hiện trường hay lấy ý kiến của những người dân tại đây” - ông Minh phản ánh. Vì vậy, ngay sau phiên xét xử sơ thẩm, ông Minh lại kháng cáo, cấp Phúc thẩm - TAND cấp cao tại TPHCM đã xem xét, nghiên cứu hồ sơ và tuyên hủy án sơ thẩm, trả toàn bộ hồ sơ, điều tra, xác minh và xét xử lại.

Cả một quá trình dài sau đó của ông Minh cùng nhiều hộ dân nơi đây nộp chứng cứ, đối thoại. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại gần đây nhất là ngày 18-10-2016 do Thẩm phán Trương Thế Trọng chủ tọa, cả 3 đơn vị, cá nhân bị khởi kiện đều vắng mặt, gồm: Chủ tịch UBND TPHCM, UBND quận 3 và Công ty Dịch vụ công ích quận 3. Do đó, buổi đối thoại đã không thể tiến hành. Tòa án đã lập biên bản ghi nhận sự việc để làm cơ sở giải quyết vụ án.

 Hơn 2 tháng sau, ngày 29-12, TAND TPHCM đã đưa vụ việc ra xét xử, nhưng khi Chủ tọa phiên tòa xác minh chỉ có đại diện của UBND quận 3 là 1 vị Phó Chánh thanh tra quận được ủy quyền, còn người quan trọng nhất là Chủ tịch UBND TPHCM vẫn “vắng mặt không có lý do”.

Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát TPHCM đề nghị hoãn phiên tòa. Sau 5 phút hội ý, Chủ tọa đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ cho xét xử vào ngày 18-1-2017 tới.

Vụ khiếu nại kéo dài đã gây bức xúc trong dư luận tại TPHCM trong nhiều năm qua, thậm chí mới đây, đích thân Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải xem xét trả lời ông Minh và các hộ dân. Vụ việc vốn dĩ không có gì phức tạp, nhưng các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thiếu thiện chí giải quyết nên dẫn đến kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Các tin khác