“Bãi lầy” hậu khai thác khoáng sản ở Quảng Nam

(ĐTTCO) - Lâm nợ phá sản, không phục hồi môi trường gây hậu quả nghiêm trọng… là những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản tại Quảng Nam. Chính quyền địa phương đau đầu với bài toán giải quyết hậu quả, trong khi đó người dân khốn khổ với sạt lở, ô nhiễm môi trường… 

Phá sản, trốn nợ
Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu), thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam, hoạt động theo giấy phép của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, thuộc Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) cấp phép khai thác, đến tháng 3-2016 giấy phép đã hết hiệu lực.
Mặc dù hết hạn khai thác vàng nhưng Công ty Bồng Miêu vẫn tiếp tục hoạt động. Sau khi phát hiện, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động. Tháng 5-2017, tỉnh Quảng Nam đề nghị đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Từ đó, doanh nghiệp trở thành “con nợ” của nhiều cá nhân, tổ chức như nợ thuế, bảo hiểm xã hội, nợ nhà cung cấp…
 Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt ưu tiên thu nguồn thuế không để nợ đọng, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc Công ty Bồng Miêu nợ các doanh nghiệp, các cơ sở cung ứng dịch vụ và nợ người lao động. Hiện nay chính quyền địa phương vẫn đang chờ công ty chính thức tuyên bố kết thúc hoạt động, nhưng vấn đề nộp thuế vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Ông Võ Hồng,
 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam
Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 12-11-2017, tổng tài sản của Công ty Bồng Miêu có hơn 302 tỷ đồng, nhưng tổng nợ doanh nghiệp phải trả cho 100 chủ nợ đã lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Qua kết quả kiểm kê cho thấy, tài sản tại công ty chỉ có giá trị hơn 34,8 tỷ đồng, trong đó tài sản đảm bảo hơn 25,4 tỷ đồng, tài sản không đảm bảo 9,4 tỷ đồng.
Điều đáng nói, toàn bộ tài sản của công ty chỉ là tài sản đặc thù của ngành khai khoáng gắn liền trên đất tại mỏ vàng, nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ khai thác vàng, khi thanh lý giá trị sẽ rất thấp. 
Nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho Công ty Bồng Miêu thu nợ nhiều lần không được đành khiếu kiện TAND tỉnh Quảng Nam. Ngày 28-11-2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị chủ nợ Công ty Bồng Miêu. Có 24 chủ nợ tham dự, nhưng đại diện Công ty Bồng Miêu lại vắng mặt.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến khác nhau của các chủ nợ về việc cho tồn tại phục hồi hoạt động hay phá sản doanh nghiệp vàng này. Kết quả có 14/24 chủ nợ biểu quyết việc phá sản. Với kết quả trên, hội nghị chủ nợ đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản doanh nghiệp này. 
Nhiều doanh nghiệp cung ứng bức xúc về nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty Bồng Miêu với các khoản nợ trên. Ông Trương Quốc Sỹ, đại diện CTCP tập đoàn khoáng sản 6666, nói: “Từ ngày Công ty Bồng Miêu nợ nần dẫn đến cảnh công ty chúng tôi cũng nợ nần theo. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng, tòa án cũng như Công ty Bồng Miêu phải có trách nhiệm về số tiền đã nợ. Việc thanh toán cụ thể ra sao chứ không thể nói phá sản thì không thanh toán các khoản nợ. Công ty phải phục hồi hoặc phải có trách nhiệm trả nợ chứ không thể nói phá sản là xóa nợ”. 
“Bãi lầy” hậu khai thác khoáng sản ở Quảng Nam ảnh 1 Sau khi Công ty vàng Bồng Miêu dừng khai thác,
môi trường xã Tam Lãnh bị ô nhiễm nghiêm trọng.  
Không chỉ nợ tiền nhân công, tiền cung ứng dịch vụ, Công ty Bồng Miêu còn nợ hơn 116,7 tỷ đồng thuế. Số nợ khó thu này đã làm phát sinh tiền chậm nộp khá lớn. Theo ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, Bồng Miêu là 1 trong 2 công ty khai thác vàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Riêng Công ty Bồng Miêu do Bộ Tài Nguyên-Môi trường (TN-MT) cấp phép. Tan tác môi trường
Không chỉ nợ thuế, nợ đối tác làm ăn… sau khi báo cáo làm ăn thua lỗ, tạm ngưng hoạt động do sản xuất kém hiệu quả, từ cuối năm 2013, Công ty Bồng Miêu không hoàn thổ môi trường diện tích hơn 200ha. Tận dụng cơ hội này, người dân đã vào đào xới khai thác vàng, chiếm dụng đất trồng cây lâm nghiệp làm cho đất đai bị hủy hoại.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) cho biết, Công ty Bồng Miêu đã để lại cho địa phương hậu quả rất nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc do đất đai không hoàn thổ. Kéo theo đó, nhiều vấn đề liên lụy khác như tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội xảy ra phức tạp trên địa bàn… 
Không chỉ riêng Công ty Bồng Miêu, nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Ninh đã hết thời hạn khai thác, nhưng doanh nghiệp chậm hoặc không phục hồi môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cụ thể, ngày 6-10-2015, UBND tỉnh có Quyết định 3603/QĐ-UBND cho phép CTCP Khoáng sản xây dựng Bắc Trung Nam được khai thác đất san lấp, xây dựng công trình bằng phương pháp lộ thiên trong phạm vi hơn 7,5ha tại khu vực núi Cóc (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh). Đồng thời cho công ty được thuê đất hơn 5ha để khai thác đất khoáng sản san lấp, xây dựng công trình, thời hạn khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường và thuê đất 3 năm. Tuy nhiên, đến nay đã hết thời hạn công ty chưa hoàn thổ môi trường, để lại những hố sâu nham nhở, đất tràn xuống tuyến đường và có nguy cơ sạt lở núi khi mưa xuống.
Ông Phan Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết: “Do chưa hoàn thổ môi trường, trời mưa đất từ trên núi trôi xuống đường và tràn vào sân Trường Mẫu giáo Bình Minh. Một số đất đá tràn xuống mương thoát nước dọc tuyến đường chính của xã, khiến người dân bức xúc. Không chỉ vậy, công ty này vẫn chưa đóng góp hơn 850 triệu đồng cho địa phương như cam kết”.
Một dự án khác, như mỏ đất núi Vũ (thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) do Công ty TNHH DV-SX-TM-XD Đông Mê Kông khai thác lấy đất nguyên liệu làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến nay đã hết thời hạn khai thác. Thế nhưng, công ty vẫn chưa hoàn thổ, phục hồi môi trường khiến đất đá bị xói lở tràn vào nhà dân, tràn ra tuyến đường ĐT 615 gây mất an toàn giao thông. Bà Võ Thị Sáu (thôn Đại Đồng) phản ánh: “Công ty khai thác xong rồi bỏ đi khiến nước ngập, chảy xung quanh nhà tôi. Mùa mưa thì nước, sỏi đá tràn vào nhà, ruộng đồng làm hoa màu cũng bị hư hỏng”. 
Theo Phòng TN-MT huyện Phú Ninh, hiện nay trên địa bàn có nhiều khu vực mỏ khoáng sản đã hết giấy phép khai thác, nhưng chưa hoàn chỉnh các thủ tục về đóng cửa mỏ để bàn giao đất cho địa phương quản lý. Trong đó có Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP khai thác mỏ đất đồi Đá Đen ở xã Tam Dân và mỏ núi Chùa ở các xã Tam Thái, Tam Đại phục vụ thi công cao tốc không thực hiện việc hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường đúng theo hồ sơ đã được phê duyệt. 
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản giao UBND huyện Phú Ninh gửi các đơn vị khai thác đất nguyên liệu, đến thời hạn 30-9-2018 phải nộp hồ sơ đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường về Sở TN-MT thẩm định và tỉnh xem xét phê duyệt. Sau thời gian này, các đơn vị vẫn không thực hiện huyện Phú Ninh sẽ lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp vẫn không tuân thủ chỉ đạo, các điểm khai thác đã hết thời hạn nhưng mặt bằng vẫn còn nham nhở.

Các tin khác