TPHCM - quy hoạch đô thị vệ tinh

Bài 3: Hoang phí tiềm năng Cần Giờ

Nhiều lợi thế

(ĐTTCO) - Từ lâu Cần Giờ đã được định hướng trở thành một đô thị du lịch sinh thái rừng-biển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, nhưng đến nay vẫn đang ở dạng tiềm năng. Để thu hút làn sóng đầu tư, ngoài việc tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng giao thông phải đồng bộ, hiện đại và cấp bách nhất là phải xây cầu, không thể lệ thuộc mãi vào phà Bình Khánh như hiện tại.

Nhiều lợi thế

Cần Giờ là huyện duy nhất của TPHCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập nằm ở phía Đông Nam. Nếu tính bằng đường thủy, Cần Giờ rất gần với thành phố du lịch biển Vũng Tàu. Nhờ gắn kết với hệ thống giao thông thủy và ngay cửa ngõ giao thương với 13km bờ biển, Cần Giờ sở hữu một vị trí chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển. So với những huyện ngoại thành, Cần Giờ có tổng diện tích tự nhiên vượt trội với 70.421ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn TP, chủ yếu là đất lâm nghiệp, nông nghiệp, đất sông rạch. Cần Giờ là vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về thực vật cũng như động vật. Rừng ngập mặn Cần Giờ rộng 35.000ha, ngoài chức năng chính là rừng phòng hộ, nguồn tài nguyên này còn mở ra triển vọng to lớn về phát triển du lịch sinh thái. Từ những năm 2.000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển” thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, rừng và biển là tài nguyên quý giá, cộng với quỹ đất lớn là những thế mạnh để Cần Giờ phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, trong Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ đến năm 2020 được UBND TPHCM phê duyệt, huyện sẽ phát triển du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính gồm khu du lịch sinh thái biển tập trung tại các điểm ven biển Cần Thạnh - Long Hòa, xã đảo Thạnh An, núi Giồng Chùa; khu du lịch sinh thái rừng (diện tích 42.000ha) thuộc các xã Long Hòa, An Thới Đông và Lý Nhơn; khu du lịch sinh thái nông nghiệp thuộc các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn.

Cần Giờ còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi năm 2014, UBND TP chỉ đạo Tổ công tác xây dựng Đề án thành lập đặc biệt của TPHCM. Địa bàn dự kiến hình thành đặc khu kinh tế này nằm ở hướng Nam gồm quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh với tổng diện tích gần 890km2, tổng dân số 685.270 người, được cho là phù hợp với chiến lược phát triển hướng ra biển. Sở dĩ chọn địa bàn trên vì nó nằm ở vị trí mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong phát huy vai trò trung tâm logistics của TP, tạo động lực cho vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL và cho cả nước.

Nút thắt hạ tầng

Là cái nôi du lịch của TPHCM, nhưng nhìn chung hạ tầng dịch vụ du lịch Cần Giờ còn quá nghèo nàn, phát triển không đồng bộ, manh mún, sản phẩm du lịch thiếu phong phú, một vài dự án phát triển du lịch đã phê duyệt triển khai chậm chạp.

Ghi nhận cho thấy, Cần Giờ dường như không có một tổ hợp hợp vui chơi, giải trí tầm cỡ nào. Đây chính là nguyên nhân du khách tại TPHCM chọn Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc chứ không xuống Cần Giờ, dù chỉ cách TPHCM 50-60km đi bằng đường bộ. Trên toàn huyện, thống kê chỉ có vỏn vẹn 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với 405 phòng, trong đó 150 phòng đạt chuẩn 3 sao, 28 phòng đạt chuẩn 1 sao và 227 phòng đạt chuẩn tối thiểu. Trung bình mỗi năm Cần Giờ thu hút khoảng 400.000 lượt khách đến tham quan, giải trí. Lượng khách đến với Cần Giờ vừa thấp, vừa không mang lại nhiều doanh thu cho địa phương, bởi chính sự nghèo nàn của sản phẩm du lịch và thiếu chuyên nghiệp trong cách làm du lịch.

Cho đến thời điểm này, ngoài những điểm du lịch như Vàm Sát, chiến khu Rừng Sác, đảo khỉ, bãi biển 30-4, siêu dự án được kỳ vọng thay đổi bộ mặt huyện nghèo nhất TP là Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, nhưng thực tế hơn chục năm nay tiến độ triển khai quá chậm. Từ năm 2000 dự án được TP giao CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, nhưng mãi đến năm 2007 khi thị trường BĐS lên cơn sốt, dự án này mới được khởi động song chưa có hoạt động đầu tư, xây dựng nào đáng kể, bởi năng lực vốn của chủ đầu tư yếu. Tháng 10-2015, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ được nghiên cứu lập phương án đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ với diện tích mở rộng thêm 480ha so với dự án cũ, lên 1.080ha. Trong dự án này đến nay đã có nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư là Vingroup, đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh tiến độ chung của dự án.

Rừng Đước huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: L.THANH

Rừng Đước huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao.  Ảnh: L.THANH

Cần Giờ thời gian qua đã có nhiều hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Sức hấp dẫn của vùng đất này có nhưng rào cản lớn vẫn là giao thông yếu kém. Năm 2011, đường Rừng Sác với nguồn vốn đầu tư 1.561 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình có ý nghĩa lớn lao về mặt dân sinh, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân nơi đây. Đáng buồn là chỉ vài năm sử dụng, dù mật độ xe cộ lưu thông không nhiều, tuyến đường huyết mạch này đã nhanh chóng xuống cấp, đi lại khó khăn. Ngoài ra, 2 công trình giao thông đối ngoại đặc biệt quan trọng khác là cầu Bình Cần Giờ và nút giao đường rẽ từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến bao giờ sẽ khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng vẫn chưa xác định.

Cần Giờ có lợi thế lớn phát triển và khai thác du lịch dựa trên những tiềm năng sẵn có, như đường bờ biển dài, nhiều cảnh đẹp tầm cỡ quốc tế, nhiều di tích văn hóa có giá trị. Đây chính là tiền đề cho bất động sản du lịch giải trí ở địa phương này bùng nổ. Đã có giai đoạn các nhà đầu tư khắp nơi đổ xuống Cần Giờ đầu tư, đón sóng quy hoạch như ở Phú Quốc vừa qua. Tuy vậy, phần lớn đến để đầu cơ đất, không có nhiều dự án triển khai xây dựng đưa vào kinh doanh.

Các tin khác