TPHCM - quy hoạch đô thị vệ tinh

Bài 2: Tử huyệt giao thông kết nối

(ĐTTCO) - Khu đô thị (KĐT) Tây Bắc có diện tích hơn 9.000ha với sức chứa 320.000 dân, không chỉ giúp TP giãn dân mà còn là một cực tăng trưởng mạnh.

(ĐTTCO) - Khu đô thị (KĐT) Tây Bắc có diện tích hơn 9.000ha với sức chứa 320.000 dân, không chỉ giúp TP giãn dân mà còn là một cực tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, việc phát triển KĐT vệ tinh này chưa được hiện thực hóa, nguyên nhân chính do hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm TP đến KĐT chưa được thông thoáng, chỉ 20km nhưng thời gian di chuyển phải mất 2 tiếng, điều này ít nhiều làm nản lòng các nhà đầu tư.

Thường xuyên ùn tắc giao thông

Trường Chinh là con đường chính yếu nối với Quốc lộ 22 để đi đến KĐT Tây Bắc. Đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Cộng Hòa - Trường Chinh) đến ngã tư An Sương đấu nối vào Quốc lộ 22 đi về Củ Chi, qua Campuchia là những trục đường được đầu tư, nâng cấp cách đây hơn 10 năm. Hồi con đường mới được đưa vào sử dụng ai cũng khen đường rộng, đẹp… nhưng nay đã trở nên lạc hậu, quá tải.  

Chính quyền TP đã rất nỗ lực khi nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh, nhưng lưu lượng giao thông từ hướng Tây Bắc vào trung tâm TP và chiều ngược lại quá cao, nên việc nâng cấp con đường không theo kịp sự phát triển là điều dễ hiểu. Ngoài ra, mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa bị thắt cổ chai càng khiến tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng hơn.

TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học

Trên trục đường này, đường Trường Chinh đoạn rộng nhất mỗi bên 4 làn xe ô tô và 2 làn xe gắn máy; trong khi đó Quốc lộ 22 đoạn từ Ngã tư An Sương (Hóc Môn) chạy đến thị trấn Củ Chi rộng trên dưới 30m, mỗi bên chỉ có 2 làn ô tô và 1 làn xe máy. Điều lạ hơn, con đường này mới nâng cấp nhưng toàn tuyến hầu như không có vỉa hè, nhà dân, ruộng vườn đều sát với làn đường giành cho xe hai bánh. Nhiều chỗ người dân lấn chiếm họp chợ, buôn bán… nên thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông. Sau khi TP làm 2 cây cầu vượt ở Lăng Cha Cả và nút giao Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa vào năm 2013, thời gian đầu tình hình được cải thiện rõ rệt, nhưng sau đó tình trạng ùn tắc xuất hiện trở lại. Do là con đường độc đạo nên chỉ cần xảy ra một sự cố là giao thông dễ dàng tê liệt.

 Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GTVT), hàng loạt dự án đang được triển khai nhằm mở rộng, kết nối giao thông tại các cửa ngõ TP với nội đô, trong đó có cửa ngõ Tây Bắc. Cụ thể, TP đã phê duyệt dự án hầm chui An Sương với số vốn 514 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ giải quyết ùn tắc ở khu vực nút giao An Sương, đồng thời, nâng cao năng lực lưu thông trên trục Quốc lộ 1A và 22, đường Trường Chinh… qua khu vực nút giao này. Dự án gồm hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - Quốc lộ 22, mỗi hướng 1 hầm rộng 9m (2 làn xe), tổng chiều dài 2 hầm khoảng 850m. Công trình do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2018. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) đến năm 2019 sẽ đưa vào vận hành. Đây là một trong những dự án giao thông được kỳ vọng góp phần giảm tải cho cửa ngõ Tây Bắc, tạo thông thoáng đi vào các quận nội thành.

 Giải bài toán giao thông?

Thực tế, khu vực này có nhiều con đường để kết nối vào KĐT Tây Bắc hoặc chia sẻ về giao thông cho trục chính Trường Chinh - Quốc lộ 22, nhưng chưa được quan tâm hoặc đầu tư chưa đúng mức. Thí dụ, đường Phan Văn Hớn đi Long An đấu nối vào Trường Chinh đoạn đi qua Hóc Môn chưa được đầu tư, ô tô chỉ có thể chạy 1 chiều từ Long An về TP, còn ngược lại không được. Vì vậy, mọi phương tiện nếu đi Long An, thay vì rẽ vào Phan Văn Hớn buộc phải dồn hết vào Quốc lộ 22. Hoặc đường Song hành được đầu tư mới nhưng do không có cầu vượt hay hầm chui, nên 2 đầu đến Quốc lộ 1A đều phải “khựng lại”. Hay Tỉnh lộ 2 nối Quốc lộ 22 (Củ Chi) đi Bình Dương là con đường quan trọng nhưng cũng quá nhỏ hẹp và xuống cấp trầm trọng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng cho biết sẽ giao trên 20ha tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ phát triển kinh tế và sẽ tiếp tục giao 20ha nữa trong thời gian tới. Tại cuộc họp với các thành viên tổ công tác liên ngành nâng cao chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA), đại diện Sở GTVT cho biết đã làm việc với Sư đoàn 370, đề nghị được bàn giao hệ thống đường kết nối sân bay (từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch) tạo một trục đường chạy song song với Cộng Hòa, nhằm giảm áp lực cho khu vực Lăng Cha Cả và đường Cộng Hòa. Hiện Sở GTVT đang củng cố các vấn đề pháp lý nhằm tham mưu UBND TP báo cáo Bộ Quốc phòng, xin chủ trương để TP quản lý phần đường này. Bên cạnh đó, theo ý kiến nhiều chuyên gia, dự án đầu tư mở rộng đường Tân Sơn, Phạm Văn Bạch (nối vào đường Trường Chinh) để vào Trung tâm hội nghị Tân Sơn Nhất cũng đang triển khai. Nếu tuyến đường này được đấu nối vào đường Trường Sơn để thông ra đường Phạm Văn Đồng, chắc chắn sẽ giải tỏa một lượng lớn phương tiện giao thông trên đường Cộng Hòa. Tại mũi tàu Cộng Hòa - Trường Chinh, trong giai đoạn trước mắt, nếu đầu tư tại đây 1 cầu vượt bằng thép tạo sự liên thông tại nút giao thông này cũng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc đáng kể.

Giao thông thường xuyên ùn ứ ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Ảnh: Tr.Giang

Giao thông thường xuyên ùn ứ ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Ảnh: Tr.Giang

Trước đó, việc phân luồng tại giao lộ Ấp Bắc - Cộng Hòa và Tân Kỳ Tân Quý - Cộng Hòa vào giờ cao điểm cũng đã phát huy tác dụng, giúp giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Về lâu dài, theo các chuyên gia đô thị học, chính quyền TP cần phải quy hoạch lại các cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại một cách có hệ thống hơn bằng cách dàn trải tại nhiều khu dân cư khác nhau, hoặc hạn chế xây dựng nhiều khu thương mại, cơ sở dịch vụ tập trung tại một khu vực. Nếu các khu vực Củ Chi, Bình Tân, Tân Phú có các rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, bệnh viện chất lượng cao sẽ giảm thiểu việc người dân đổ vào khu vực Tân Bình hoặc trung tâm TP vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần. Biện pháp di dời Khu công nghiệp Tân Bình cũng được các chuyên gia đề cập.

Thời gian qua TP đã nỗ lực di dời các bệnh viện, trường học ra ngoại thành, trong đó có Tây Bắc nhưng giao thông quá khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ việc đi lại làm việc của cán bộ nếu họ di chuyển từ nội thành ra đó để làm việc hàng ngày. Nếu tình trạng giao thông từ trung tâm TP về KĐT Tây Bắc như hiện nay được hóa giải, chắc chắn không khó để thu hút các nhà đầu tư, thu hút dân từ các nơi đến đây sinh sống tạo sức sống mới cho vùng đất này.

Các tin khác