Áp lực ngành vật liệu xây dựng

(ĐTTCO) - Với lợi thế mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, chất lượng sản phẩm đồng đều do được sản xuất theo quy mô lớn, dự báo những năm tới sẽ chứng kiến sự đổ bộ các loại vật liệu xây dựng (VLXD) Trung Quốc. 
Áp lực ngành vật liệu xây dựng

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ VLXD trong nước năm 2018 được dự báo giảm hoặc không tăng, sẽ tạo áp lực lớn đến đầu ra của doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD trong nước.

Sức ép từ Trung Quốc
Tại kỳ triển lãm Vietbuild lần 2 tại TPHCM diễn ra mới đây, trong số 2.500 gian hàng giới thiệu các loại VLXD, trang trí nội ngoại thất tại triển lãm, có trên 600 gian hàng của DN Trung Quốc. Điều này cho thấy các DN Trung Quốc đang tiếp cận thị trường Việt Nam trên quy mô lớn. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc tại TPHCM cho biết sắp tới sẽ thành lập văn phòng xúc tiến thương mại về VLXD tại Việt Nam để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường VLXD năm tới sẽ khốc liệt hơn, khi nhiều sản phẩm của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường trong nước với quy mô lớn theo đường chính ngạch.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết công nghệ sản xuất VLXD của Trung Quốc đang từng bước chinh phục thế giới, thậm chí một số DN Hoa Kỳ cũng phải mua công nghệ của Trung Quốc. Nhiều công nghệ nguồn về sản xuất VLXD do các DN Trung Quốc nắm giữ, như công nghệ sản xuất kính xây dựng. Về quy mô sản xuất, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất VLXD, nhiều sản phẩm của Trung Quốc chiếm trên 50% sản lượng thế giới như xi măng, gạch ceramic, sắt thép…
Trong khi đó, dù Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất VLXD, tuy nhiên xét về quy mô sản xuất chỉ bằng một phần của Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam sản xuất trên 90 triệu tấn xi măng/năm, trong khi Trung Quốc khoảng 3 tỷ tấn xi măng/năm; gạch ceramic các loại Việt Nam sản xuất khoảng 600 triệu m2/năm, Trung Quốc khoảng 3 tỷ m2/năm; kính VLXD các loại Việt Nam sản xuất khoảng 200 triệu m2/năm, Trung Quốc 3,6 tỷ m2/năm.
Với quy mô sản xuất lớn, ngành sản xuất VLXD Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chững lại, buộc các DN phải tìm đường xuất khẩu để duy trì sản xuất. Để giảm áp lực thừa cung, và giảm ô nhiễm trong sản xuất VLXD, mới đây chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 300 nhà máy xi măng, hàng trăm nhà máy sản xuất gạch ceramic. Việc đóng cửa các nhà máy quy mô nhỏ, còn lại các nhà máy quy mô lớn, làm ăn bài bản, công nghệ cao, sản lượng lớn nên sức cạnh tranh sản phẩm VLXD Trung Quốc vẫn vượt trội.

Nhu cầu trong nước giảm
Có thể nói các DN VLXD trong nước thời gian tới sẽ chịu tác động kép từ sự gia tăng vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và sụt giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước. Số liệu của Bộ Xây dựng 10 tháng năm 2017 cho thấy nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ tăng 4%, cùng kỳ năm trước tăng khoảng 10%; kính xây dựng chỉ đạt khoảng 156 triệu m2, bằng 96% cùng kỳ; gạch ốp lát sản xuất khoảng 461 triệu m2, bằng cùng kỳ; các sản phẩm sứ vệ sinh sản xuất trong nước chỉ bằng 99% cùng kỳ năm trước. 
Theo ông Nguyễn Trần Nam, sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ VLXD trong nước do thị trường BĐS, một thị trường có tính chất đầu kéo đã đi vào giai đoạn ổn định, không tăng trưởng mạnh. Giai đoạn cuối năm nay và năm 2018 thị trường BĐS sẽ trầm lắng trở lại, số dự án khởi công mới ít. Nhiều tổng thầu xây lắp lớn như Conteccons, Hòa Bình… đến nay vẫn chưa lo đủ hợp đồng thi công cho năm tới. Xu hướng này có sự khác biệt so với mọi năm khi hết quý III hàng năm các tổng thầu lớn đã lo đủ hợp đồng thi công năm tiếp theo.
“Thực tế thị trường xây dựng đang trầm lắng, có rất ít dự án sẽ khởi công mới trong năm 2018. Các dự án hạ tầng giao thông lớn như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị trên cao về cơ bản đã hoàn thành phần thô trong năm nay, chỉ còn phần hoàn thiện, lắp đặt thiết bị trong những năm tới. Vì vậy, năm 2018 nhu cầu tiêu thụ VLXD trong nước sẽ giảm mạnh, các DN sản xuất có thể khó khăn hơn” - ông Nguyễn Trần Nam bày tỏ lo ngại.
Trong khi cầu giảm, nguồn cung VLXD trong nước đang tiếp tục tăng mạnh. Ông Nguyễn Quang Cung cho rằng thời gian qua sản lượng xi măng trong nước tăng mạnh, các DN xi măng phải tìm cách xuất khẩu để duy trì sản xuất. Sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu năm nay sẽ tăng 20% so với cùng kỳ 2016, ước đạt khoảng 15 triệu tấn, khả năng xuất khẩu có chiều hướng tốt lên nhưng nhiều DN vẫn gặp khó khăn khi tìm đầu ra.
Để duy trì sức cạnh tranh tại thị trường nội địa, nhiều chuyên gia cho rằng DN trong nước cần đẩy mạnh việc tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường, cải tiến công nghệ để hạ giá thành các loại VLXD, nếu không nguy cơ thua trên sân nhà hoàn toàn có thể xảy ra.

Các tin khác