“Án treo” doanh nghiệp bất động sản

(ĐTTCO) - Chưa bao giờ doanh nghiệp BĐS “kêu than” như thời gian qua, nhất là về mặt thủ tục xét duyệt dự án. Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cũng thừa nhận số lượng dự án mới, số lượng căn hộ hình thành trong tương lai được phép bán, từ đầu năm đến nay cũng giảm sâu so với các năm trước. 
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland:
Novaland đang phải đối diện với tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng dây chuyền như sức ép lãi vay, doanh thu giảm, giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán giảm, giảm công ăn việc làm cho người lao động.
Thị trường huy động vốn nước ngoài hiện nay đang thuận lợi, song các nhà đầu tư trong và ngoài nước trở nên e dè sợ rủi ro về tài chính. Bởi việc kéo dài thời gian rà soát, kiểm tra, chậm thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án sẽ làm vuột mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp. 
“Án treo” doanh nghiệp bất động sản ảnh 1
Novaland hiện có 10 dự án đã được giao đất đầu tư đến nay được xây dựng hoàn chỉnh, được nghiệm thu đưa vào sử dụng, khách hàng đã vào ở, nhưng vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa được duyệt tiền sử dụng đất. Vì vậy chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho cư dân, dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Đề nghị các cơ quan chức năng của TP cũng như bộ ngành trung ương, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn TPHCM nói chung và Novaland nói riêng. Cụ thể, giải tỏa văn bản đã ban hành trong tháng 12-2018 về “tạm dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất” 7 dự án của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Novaland. Sớm duyệt tiền sử dụng đất 10 dự án Novaland đã hoàn thành. 
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh Corp:
Thứ nhất, về giao đất khó khăn nhất hiện nay là đất xen cài, đất kênh rạch. Hưng Thịnh cũng đã hỏi Cục Thuế TPHCM về cách giải quyết tình trạng đất xen cài, được hướng dẫn căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế đối với doanh nghiệp khác có tình trạng tương tự đã trả lời trước đó thì được giao (tức đất xen cài 13,9%).
Như vậy đây là cơ sở để Sở TN-MT hướng dẫn giao đất cho những trường hợp có đất xen cài tương tự, ít nhất là bằng hoặc nhỏ hơn tỷ lệ 13,9%, như trường hợp của doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế và Bộ TN-MT trả lời. 
“Án treo” doanh nghiệp bất động sản ảnh 2
Thứ hai, thẩm định tiền sử dụng đất. Hiện nay để an toàn Sở Tài chính và Sở TN-MT luôn luôn định giá cao. Như vậy vô tình đẩy giá nhà, đất lên cao tạo cho thị trường xấu. Do đó Sở Tài chính và Sở TN-MT nên định giá đất sớm để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính, nếu không sẽ dẫn đến người dân khiếu nại, tranh chấp. 
Thứ ba, hiện nay chỉ tiêu dân số ở một số nơi không còn nữa, bởi không hợp lý và không theo kịp sự phát triển. Điều này dẫn đến nhiều nghịch lý khi làm dự án chỉ tiêu dân số rất ít, thậm chí không còn, trong khi thực tế  tăng dân số tự nhiên và cơ học vẫn còn. Do đó nên căn cứ vào kết quả điều tra dân số và nhà ở đợt này của Chính phủ để đưa ra chỉ tiêu hợp lý hơn. 
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long:
Từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực đất đai hiện nay có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi. Thực tế có rất nhiều cuộc thanh- kiểm tra “treo” 2-3 năm chưa có kết luận.
“Án treo” doanh nghiệp bất động sản ảnh 3
Trên địa bàn TPHCM trong những năm gần đây thủ tục trở nên khó khăn hơn, nên một số doanh nghiệp tại TPHCM phải đi các tỉnh để đầu tư, thậm chí ra nước ngoài. Đã vậy, thủ tục tính tiền sử dụng đất bổ sung hiện nay hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện được.
Dữ liệu mua bán nhà đất của chúng ta hiện nay cũng mang cảm tính, không có dữ liệu chính xác, do đó các cơ quan chức năng khi xác định suất đầu tư hạ tầng, công trình dự án thường rất thấp so với thực tế, nên không công bằng với nhà đầu tư. Do đó đề nghị các cơ quan chức năng cần có công thức tính phù hợp hơn để doanh nghiệp không bị thiệt thòi. 
Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp:
Hiện nay các doanh nghiệp hàng tuần, hàng tháng đều tiếp cận các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu muốn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn rất mạnh, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đã có những định hướng phát triển khá ổn định sau cuộc khủng hoảng trước đó. Nếu chúng ta tháo gỡ được khó khăn hiện nay sẽ thu về cho TP hàng chục ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp, gián tiếp. 
“Án treo” doanh nghiệp bất động sản ảnh 4
Để tháo gỡ khó khăn, tôi đề nghị đối với các dự án đang rà soát mà không bị đình chỉ, không bị điều tra, TP kiến nghị với các cơ quan chức năng cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục.
Đối với các dự án thực hiện đúng các yêu cầu cơ quan chức năng về quy hoạch, về đầu tư xây dựng… đề nghị được thực hiện các phần việc còn lại. Bởi thủ tục cho một dự án  phải mất 3-4 năm, nếu kéo dài hơn nữa doanh nghiệp sẽ mất cơ hội đầu tư, tăng thêm chi phí, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng… 

Các tin khác