An cư phải bền vững sau di dời

(ĐTTCO) -  Các khu nhà ổ chuột trên kênh rạch hầu như ở TP châu Á nào cũng có. Nhiều năm qua, các TP như Mumbai, Manila, Bangkok, PhnomPenh… đã có nhiều chương trình di dời, tái định cư, trong số đó có cả thành công và thất bại. Những dự án thành công đều rút ra bài học kinh nghiệm: Phải giải quyết tốt bài toán mưu sinh, bởi nếu không có công ăn việc làm, không có thu nhập người dân sẽ bán căn nhà tái định cư trở lại kênh rạch và những khu ổ chuột mới xuất hiện, tạo thành vòng luẩn quẩn trong công tác giải tỏa, di dời.

(ĐTTCO) -  Các khu nhà ổ chuột trên kênh rạch hầu như ở TP châu Á nào cũng có. Nhiều năm qua, các TP như Mumbai, Manila, Bangkok, PhnomPenh… đã có nhiều chương trình di dời, tái định cư, trong số đó có cả thành công và thất bại. Những dự án thành công đều rút ra bài học kinh nghiệm: Phải giải quyết tốt bài toán mưu sinh, bởi nếu không có công ăn việc làm, không có thu nhập người dân sẽ bán căn nhà tái định cư trở lại kênh rạch và những khu ổ chuột mới xuất hiện, tạo thành vòng luẩn quẩn trong công tác giải tỏa, di dời.

Khó buôn bán ở khu tái định cư  

Giải tỏa một con kênh và tái định cư cho người sống trên kênh rạch là bài toán phức hợp rất khó, bởi nó là sự kết hợp của kinh tế - văn hóa - xã hội với kỹ thuật và tài chính. Nếu coi nặng việc giải phóng con kênh mà coi nhẹ các mặt khác, kết cục là con kênh sạch đẹp, thông thoáng còn khu ổ chuột lại di chuyển đến một nơi khác.

Cho đến nay, TPHCM có 2 dự án tái định cư trên kênh rạch. Đó là dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 kéo dài 19 năm (1993-2012) với số tiền đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, di dời giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu sống trên đoạn kênh dài khoảng 7km. Và dự án thí điểm cải thiện vệ sinh, nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dự án 415) kéo dài 7 năm, khởi công từ năm 1998 hoàn thành 2005 do chính phủ Bỉ tài trợ. Dự án này tái định cư 166 hộ dân sống trên đoạn kênh chảy qua địa phận phường 11, quận 6. Ở dự án thứ nhất, phần lớn người dân được đưa vào các chung cư như Rạch Miễu, Hiệp Bình Phước, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu…

 Năm 2003, Hội Quy hoạch - Phát triển TPHCM tiến hành khảo sát các chung cư thuộc diện này. Kết quả thu được cho thấy 72% người dân thuộc nhóm tái định cư không hài lòng với cuộc sống chung cư. Sau 10 năm (2003) số người dân còn sống ở chung cư Trần Quốc Thảo còn 60%, ở Hiệp Bình Phước còn dưới 50%. Dự án 415, số tái định cư tại chỗ 72 hộ, sau 10 năm số hộ còn trụ lại 90%,  chỉ có 7 hộ (10%) đi nơi khác do bán nhà trả nợ, số thuộc diện tái định cư di dời đến  Bình Hưng Hòa A là 94 hộ, nay chỉ còn khoảng 40% ở lại.

Những vấn đề vừa nêu là bài học kinh nghiệm khi những năm tới đây, TPHCM tiếp tục giải tỏa 26.000 dân ở kênh Đôi (quận 8). Vậy phải làm thế nào để người dân “an cư, lạc nghiệp”, có cuộc sống bằng hoặc hơn trước khi di dời giải tỏa. Bởi lẽ, khi sống ở các chung cư họ mất cơ hội mưu sinh, không có chỗ để xe ba gác, xe hủ tiếu, mì gõ. Ở căn hộ chung cư sạch, đẹp nhưng khó kiếm tiền, trong khi phải chi nhiều tiền cho các dịch vụ quản lý mà khi ở trên kênh không phải trả như dịch vụ bảo vệ, đèn chiếu sáng, bơm nước, gửi xe, tưới cây, vệ sinh công cộng, đổ rác… ít nhất cũng mất 300.000-400.000 đồng/ tháng, chưa kể tiền đóng góp khác mà trước kia họ không phải đóng như bão lụt, an ninh trật tự, xóa đói giảm nghèo… Với người nghèo, chỗ ở cũng là chỗ để kinh doanh, buôn bán, trong khi căn hộ dành cho tái định cư chỉ 42-60m2 rất khó để mưu sinh. Vì thế mới có chuyện khu tái định cư ở Bình Hưng Hòa A rất ổn về chỗ ở nhưng nhiều người dân thuộc tái định cư vẫn quay về quận 6 để mưu sinh.

Giải bài toán phức hợp

Nên tái định cư tại chỗ tốt hơn tái định cư di dời. Người dân khi được tái định cư tại chỗ sẽ cảm thấy an tâm hơn, việc bứt họ ra khỏi địa bàn quen thuộc không chỉ làm họ khó khăn trong buôn bán, mà còn làm cho họ thấy bất an về tâm lý vì cảm thấy mất chỗ dựa về tinh thần. Trong trường hợp thiếu đất không tái định cư tại chỗ được nên tìm địa điểm không xa nơi ở cũ. Nên thay đổi quan niệm kiến trúc, thiết kế và tổ chức không gian nhà ở cho người tái định cư sao cho phù hợp. Không nên tái định cư người nghèo ở chung với với người khá giả. Nhà ở xã hội (NoXH) và nhà ở thương mại (NoTM) nên tách rời. Thực tế những hộ dân ở trong các khu NoTM cho dù chỉ chiếm 10-20%, nhưng sau một thời gian họ bán nhà, đi nơi khác vì các chi phí khá cao so với thu nhập của họ. Ngoài ra có những rắc rối khác về quan hệ xã hội và thói quen sinh hoạt.

Chung cư Vĩnh Lộc B hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đa số căn hộ bỏ hoang do không phù hợp cư dân tái định cư. Ảnh: Vũ Phượng

Chung cư Vĩnh Lộc B hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đa số căn hộ bỏ hoang
do không phù hợp cư dân tái định cư.  Ảnh: Vũ Phượng

Bên cạnh đó, cần thay đổi quan niệm về chức năng nhà ở cho người thuộc diện tái định cư với các thành phần xã hội khác. Theo quan niệm truyền thống nhà chỉ để ở, tái tạo sức khỏe, không làm cái gì khác. Điều này có thể đúng với giới công chức, những người làm công ăn lương, nhưng không hẳn đúng với người nghèo, vì với họ phải là “nhiều trong một” mới tối ưu. Tức là các chức năng ở, sinh hoạt, sản xuất, thương mại, thiết lập quan hệ xã hội phải lồng vào nhau trong một không gian đa chức năng. Trong khi đó diện tích căn hộ tái định cư nhỏ, rất khó cho việc sử dụng để buôn bán, phần nữa nội quy chung cư cũng không cho phép làm việc này. Điều này cho thấy việc thay đổi quan niệm trên rất khó, bởi những người quản lý bao giờ cũng muốn có một chung cư hoành tráng, sạch đẹp, ngăn nắp. Việc chấp nhận “một khu ổ chuột trên cao” là không thể, nhưng chúng ta phải đối mặt với thực tế và cần phải chấp nhận nó trên tinh thần “nhân nhượng”, “nhị nguyên”, tức ai cũng được một chút, thiệt một chút.

 Những năm 70 của thế kỷ trước, Singapore  cũng có rất nhiều loại chung cư có căn hộ nhỏ và nhiều chức năng, cũng khá luộm thuộm. Nhưng theo thời gian và mức sống được cải thiện, họ dần loại bỏ các chung cư như thế để thay bằng các chung cư tốt hơn. Đến nay Singapore đã trải qua 2 lần “cách mạng chung cư” và đang bước vào “cách mạng lần thứ 3”. Mỗi lần như thế chất lượng nhà ở và chất lượng sống được nâng cao rõ rệt. Vì thế, để tái định cư thành công phải giải quyết tốt và đồng bộ những vấn đề về kỹ thuật như quy hoạch, kiến trúc, tổ chức không gian, xây dựng. Trong đó, đền bù giải tỏa là quan trọng và phải hướng đến tái định cư bền vững. Bởi nếu người dân tái định cư không có công ăn việc làm, không có thu nhập ổn định, giá trị của một dự án lớn sẽ bị giảm đi rất nhiều. 

Các tin khác