ACV sai phạm trong đầu tư, kinh doanh và sử dụng đất (Bài 2)

(ĐTTCO) - ACV hiện có 22 cảng hàng không là các chi nhánh hạch toán phụ thuộc, nhưng giai đoạn năm 2012-2015, có 16-18 chi nhánh thu không đủ bù chi, số tiền ACV đang phải bù đắp chi phí cho các chi nhánh lên tới trên 5.564 tỷ đồng. 
Nguyên nhân do lượng hành khách ít, hạ tầng cảng hàng không, sân bay kém, ACV phải thực hiện điều tiết doanh thu cho các nơi thua lỗ.

Bài 2: Bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng

Thu phí trái quy định hơn 550 tỷ đồng
Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV đến từ 2 nguồn thu về dịch vụ hàng không và phi hàng không. 2 nguồn thu này chiếm 78-80% tổng doanh thu hàng năm của ACV, trong đó chủ yếu thu từ dịch vụ hàng không. Tuy nhiên các dịch vụ phi hàng không cũng đang đem lại nguồn lợi đáng kể cho ACV hàng năm.
Trong giai đoạn 2012-2015, dù ACV không tổ chức đấu thầu, mà áp dụng chỉ định thầu cho tất cả tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng nhà ga để kinh doanh. Trong 2 năm 2014 và 2015 ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích sàn 120.221m2, thu về số tiền khoảng 701 tỷ đồng. Việc ACV chỉ định đơn vị thuê mặt bằng là vi phạm quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không quy định trong Thông tư 16/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
 Phương án giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay được ban hành năm 2014, quy định một số chính sách giảm giá dịch vụ hàng không nhằm khuyến khích phát triển vận tải hàng không, dẫn đến ACV phải bù đắp chi phí từ năm 2012 đến năm 2015 khoảng 109,2 tỷ đồng. Việc quy định giá các loại dịch vụ tại cảng hàng không có sự chênh lệch giữa hãng hàng không quốc tế và trong nước đã làm giảm doanh thu ACV hơn 267 tỷ đồng.

Trong quá trình thanh tra tại ACV, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện tại 21 cảng hàng không trên cả nước đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với xe ô tô đưa, đón trả khách với mức giá vé lượt 7.000-30.000 đồng/lượt, và vé tháng 600.000-1.650.000 đồng/tháng.
Doanh thu tiền sử dụng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga từ năm 2012-2015 của 19/21 cảng hàng không đạt trên 550 tỷ đồng. Hoạt động thu phí mang lại lợi ích cho ACV nhưng lại vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam, gây thiệt hại cho khách hàng.
Đến thời điểm thanh tra, Bộ GTVT chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc thu phí nhượng quyền khai thác các dịch vụ phi hàng không. Hiện ACV đang tự giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện việc thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phi hàng không nhưng không quy định cụ thể, thống nhất về đối tượng, phương pháp tính, cũng như mức thu cho từng cảng hàng không. Thực tế đã có 7/22 cảng hàng không, sân bay thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phi hàng không mang tính tự phát, tự định đơn giá thuê.
ACV sai phạm trong đầu tư, kinh doanh và sử dụng đất (Bài 2) ảnh 1 2 gói thầu 10A, 10B dự án Nhà ga hành khách T2 Nội Bài đội vốn rất lớn. 
Sai số lớn tổng mức đầu tư dự án
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, giai đoạn 2012-2015 ACV thực hiện 251 dự án đầu tư, tổng mức đầu tư các dự án lên tới 34.018 tỷ đồng và 29.240USD. Trong số này có 17 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, giá trị điều chỉnh khoảng 2.550 tỷ đồng; 4 dự án chậm tiến độ thi công có tổng mức đầu tư khoảng 1.659 tỷ đồng; 5 dự án dừng, giãn tiến độ thi công có tổng mức đầu tư 1.240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ACV đã thực hiện 121 dự án mua sắm máy móc, trang thiết bị với tổng mức đầu tư khoảng 934 tỷ đồng.

Một số sai phạm của ACV trong hoạt động đầu tư xây dựng tại các dự án cụ thể cũng được Thanh tra Chính phủ nêu rõ. Đó là tại dự án sửa chữa, cải tạo và mở rộng sân đỗ máy bay (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có tổng mức đầu tư khoảng 695 tỷ đồng, ACV đã đưa ngay nhiệm vụ thiết kế vào hồ sơ yêu cầu, không tách ra, là không đúng quy định. Tư vấn ADCC chỉ dẫn sử dụng vật liệu cát đắp nền với tên gọi “cát vàng hạt trung” không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, gây khó khăn trong thi công và quản lý dự án, tính sai chi phí vận chuyển vật liệu trên 3 tỷ đồng.
Tại dự án sửa chữa đường lăn song song E6 đoạn từ E1 đến nút đường lăn E4 và dự án sửa chữa đường lăn song song E6 đoạn từ nút đường lăn E4 đến nút đường lăn E5, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, không phải là dự án sửa chữa lớn mà được đầu tư xây mới, nhưng ACV đã sử dụng nguồn vốn sửa chữa lớn tài sản cố định trích trước để đầu tư dự án, dẫn đến chi phí kết quả sản xuất kinh doanh không đúng. Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, ACV đã không ghi tăng giá trị tài sản, dẫn đến tài sản nhà nước hụt thiếu 297 tỷ đồng.
Tương tự, việc phê duyệt giá gói thầu 10A, 10B, dự án Nhà ga hành khách T2 Nội Bài có tổng mức đầu tư 43,2 tỷ JPY và 6.145 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý về kinh tế 666,9 tỷ đồng, trong đó thu hồi về dự án 261 triệu đồng, giảm trừ thanh toán 10,4 tỷ đồng, xử lý khác 656 tỷ đồng. Tại gói thầu 10A xây lắp, cung cấp, lắp đặt thiết bị nhà ga được phê duyệt giá gói thầu 34,2 tỷ JPY và 3,8 tỷ đồng. Nhưng kết quả đấu thầu, giá trúng thầu là 38,5 tỷ JPY và 6.975 tỷ đồng, như vậy giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu được duyệt 19,49%. Tương tự giá trúng thầu gói thầu 10B cao hơn giá gói thầu được duyệt 35,62%.
Cụ thể, tại gói thầu 10A, xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà ga Bộ GTVT phê duyệt giá 34,2 tỷ JPY và 3,8 tỷ đồng, được ACV tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển, một túi hồ sơ theo quy định của JICA. Tuy nhiên, theo cam kết vay vốn nhà thầu chính thi công gói thầu phải là nhà thầu Nhật Bản, khối lượng hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản để xây dựng công trình phải đạt tối thiểu 30% giá trị xây lắp và mua sắm thiết bị.
Kết quả đấu thầu chỉ có duy nhất liên danh Taisei - Vinaconex nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu. Giá trúng thầu 38,5 tỷ JPY và 3,8 tỷ đồng, cao hơn giá gói thầu rất nhiều. Đáng nói hơn, tại gói thầu 10B giám sát thi công xây dựng công trình, chỉ có Công ty tư vấn sân bay Nhật Bản dự thầu, trở thành nhà thầu trúng thầu, và kết quả tất yếu là giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu gần 400 triệu JPY.
Có thể thấy cả 2 gói thầu 10A, 10B dự án Nhà ga hành khách T2 Nội Bài đều đội vốn rất lớn. Một trong những nguyên do đánh mất sự cạnh tranh trong đấu thầu dự án. Tổng giá trị trúng thầu vượt giá 2 gói thầu khoảng 5,7 tỷ JPY, tương đương 1.450 tỷ đồng.
Kết thúc thanh tra tại ACV, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền và tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra 3.652 tỷ đồng và 7.225ha đất. Sau khi kết thúc thanh tra, ACV đã thực hiện xử lý vi phạm tài chính số tiền 1.158 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách 704 tỷ đồng, trích bổ sung quỹ đầu tư phát triển 132 tỷ đồng, ghi tăng giá trị tài sản Cảng hàng Không quốc tế Đà Nẵng 297 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra kiến nghị ACV tiếp tục xử lý tài chính số tiền giá trị 4,1 tỷ đồng; Bộ GTVT xử lý số tiền 74,3 tỷ đồng; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT kiểm tra, rà soát, đề xuất hướng xử lý số tiền 903 tỷ đồng từ việc ACV trích khấu hao tài sản cố định.

Các tin khác