ACV sai phạm trong đầu tư, kinh doanh và sử dụng đất (Bài 1)

(ĐTTCO) - Hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được cơ quan thanh tra đưa ra trong kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV.

 Trong kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố, các sai phạm tập trung vào 4 nhóm: thất thoát trong quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động sản xuất, kinh doanh sai quy định; xác định chưa đầy đủ giá trị tài sản trong cổ phần hóa; thất thoát vốn trong đầu tư xây dựng.

Cho thuê đất sai quy định

ACV và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước đang quản lý và sử dụng khoảng 3.102ha đất, trong đó đất trong khu vực cảng hàng không, sân bay 3.085,5ha, đất ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay 14,6ha. Tuy nhiên ACV đã sử dụng nhiều diện tích đất này để cho thuê sai quy định.

Gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dù sở hữu nhiều diện tích đất vàng, nằm gần các cảng hàng không, tại các thành phố lớn nhưng đến thời điểm thanh tra, ACV chưa làm thủ tục thuê khoảng 199,2ha với Nhà nước. Trong đó, có 197,3ha đất tại các cảng hàng không, sân bay; 1,9ha đất ngoài các cảng hàng không, sân bay. Riêng tại TPHCM, hiện có 6 địa chỉ đất có tổng diện tích 13.212m2, và 5 trung tâm giao dịch hàng không, 1 nhà tập thể có tổng diện tích 6.029m2. 

 Theo Quyết định 1710/QĐ-TTg, phuơng án cổ phần hóa công ty mẹ ACV, tổng công ty sẽ bàn giao toàn bộ tài sản khu bay cho Bộ GTVT làm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Bộ GTVT sẽ cho ACV thuê lại toàn bộ tài sản khu bay dưới hình thức hợp đồng cho thuê hoạt động. Như vậy, sau thời điểm cổ phần hóa ACV tiếp tục hạch toán, trích khấu hao tài sản cố định khu bay hàng trăm tỷ đồng là sai quy định.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ

Đáng lưu ý, theo phương án cổ phần hóa ACV đã được phê duyệt, diện tích đất này không phải xác định vào giá trị doanh nghiệp, mà được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, nhưng ACV lại chưa làm thủ tục thuê đất với Nhà nước. Cách làm mập mờ này của ACV đã vi phạm Luật Đất đai, và quy định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP, dẫn đến ACV chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa.

Việc quản lý đất và tài sản trên đất của ACV cũng được Thanh tra Chính phủ kết luận không đúng quy định. Theo đó, tại lô đất số 1A Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM có diện tích khoảng 6.097m2, và 10 trung tâm giao dịch hàng không có diện tích 23.216m2, thuộc diện tích đất nhà nước cho ACV thuê trả tiền hàng năm. Nhưng từ tháng 7-2014 đến nay ACV và các chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, tài sản trên đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các mục đích khác, như mở showroom ô tô, chi nhánh giao dịch ngân hàng, trung tâm dạy ngoại ngữ, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng quần áo… Những việc làm này là sử dụng đất không đúng mục đích được Nhà nước cho thuê.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến việc Sở Xây dựng TPHCM cấp giấy phép xây dựng cho ACV xây dựng văn phòng kết hợp nhà trưng bày xe ô tô tại số 1A Hồng Hà, là trái với quyết định của UBND TP chỉ giao đất cho ACV thuê xây dựng văn phòng làm việc, không sử dụng vào mục đích khác. Tại lô đất số 58 Trường Sơn, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM chưa ký hợp đồng cho ACV thuê lại 4.527m2 là sai quy định.

Qua thanh tra tại ACV đã phát hiện Cảng vụ hàng không chưa xác định chi tiết toàn bộ diện tích đất công cộng không có mục đích kinh doanh và diện tích có mục đích kinh doanh tại các cảng hàng không, sân bay. ACV chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 7.225ha đất tại 11 cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Cơ quan thanh tra xác định, từ ngày 1-7-2007 đến ngày 31-12-2015, ACV chưa nộp khoảng 344 tỷ đồng tiền thuê đất, nhưng lại trích trước tiền thuê đất vào chi phí sản xuất kinh doanh khoảng 767,6 tỷ đồng. Việc ACV chưa nộp tiền thuê đất theo quy định đã dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

ACV sai phạm trong đầu tư, kinh doanh và sử dụng đất (Bài 1) ảnh 1 Tòa nhà văn phòng cụm cảng hàng không Việt Nam - ACV. 


Yêu cầu ACV nộp bổ sung ngân sách 692 tỷ đồng

Tháng 5-2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa trong đó có Công ty mẹ - ACV, và đến cuối năm 2014 đã phê duyệt giá trị để đưa vào cổ phần hóa 37.919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp khoảng 20.769 tỷ đồng. Giá trị vốn góp nhà nước này không bao gồm giá trị tài sản thuộc khu bay phục vụ cho hoạt động bay theo giá trị sổ sách khoảng 6.070 tỷ đồng, và giá trị đường lăn, đường cất hạ cánh, sân đỗ khoảng 1.914 tỷ đồng, cộng với 272 tỷ đồng nợ khó đòi tại Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

Theo phương án cổ phần hóa ACV được phê duyệt tháng 10-2015, ACV sẽ bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đến cuối năm 2015, ACV đã bán thành công 77,8 triệu cổ phần cho 147 nhà đầu tư, thu về số tiền 1.113 tỷ đồng. Tại thời điểm thanh tra (7-2016), ACV đang đàm phán để bán khoảng 448,6 triệu cổ phần (20% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn ADP (Pháp).

Có thể thấy, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (tháng 6-2014), vốn thực tế nhà nước tại ACV khoảng 22.683 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản cố định khu bay tính theo giá trị sổ sách 1.914,5 tỷ đồng. Nhưng từ 1-7-2014 đến 31-12-2015, ACV đã không loại khỏi bảng cân đối công ty mẹ đối với nguyên giá, giá trị còn lại tài sản cố định khu bay để bàn giao cho Nhà nước quản lý. Theo đó, ACV lại tiếp tục hạch toán, trích khấu hao tài sản cố định khu bay (không thuộc tài sản của ACV) vào chi phí sản xuất kinh doanh với tổng số tiền khoảng 903 tỷ đồng. Do đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu ACV phải nộp bổ sung ngân sách 692 tỷ đồng, và trích Quỹ đầu tư phát triển để lại ACV 211,4 tỷ đồng.

(còn tiếp)

Các tin khác