35.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông TPHCM

Trong năm 2014, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông, TPHCM sẽ ưu tiên đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm với tổng chi phí ước tính khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trong năm 2014, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông, TPHCM sẽ ưu tiên đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm với tổng chi phí ước tính khoảng 35.000 tỷ đồng.

Những dự án sẽ được triển khai, gồm: Các dự án thành phần khép kín đường vành đai 2; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 50; dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên; dự án xây dựng đường nối đại lộ Đông Tây-cao tốc TPHCM-Trung Lương; dự án xây dựng hầm chui tại An Sương; các dự án đầu tư xây dựng cầu lắp ghép kết cấu thép tại một số nút giao thông lớn; dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; dự án đầu tư xây dựng bến xe miền Tây mới, miền Đông mới và bến xe An Sương.

Sở GTVT TPHCM cho biết, vốn đầu tư dành cho lĩnh vực giao thông, vận tải và công chính tại TPHCM hiện đang được sử dụng từ 3 nguồn chính là vốn ngân sách thành phố, vốn ODA và vốn của các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác).

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2015 là 71.220 tỷ đồng và đến năm 2020 là 326.277 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu theo quy hoạch, ngành GTVT TPHCM sẽ tiếp tục tập trung kêu gọi nguồn vốn tư nhân trong nước tham gia đầu tư các công trình theo nhiều hình thức như BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao), PPP (hợp tác công-tư)…

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Tất Thành Cang cho biết, mô hình hợp tác công-tư PPP nhấn mạnh đến sự tham gia của Nhà nước trong các hợp đồng từ vốn đến quản lý vận hành. Bên cạnh đó, thành phố hiện đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn ngoài ngân sách, trong đó sẽ đẩy mạnh mô hình PPP.

Để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thành phố sẽ tập trung kiện toàn chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật hiện hữu) theo hướng thủ tục đơn giản, gọn, nhẹ; đồng hành cùng nhà đầu tư để xác định các hướng đầu tư hợp lý nhất, hiệu quả nhất nhằm bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.

Thành phố cũng sẽ hợp tác với các tổ chức tài chính để bảo lãnh vay cho nhà đầu tư; hình thành quỹ bảo trì đường bộ để khai thác các nguồn vốn phục vụ cho công tác này tại thành phố; đối với những công trình cấp thiết phải nhanh chóng xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thành phố sẽ có hướng xem xét, hỗ trợ lãi vay cho nhà đầu tư, miễn giảm tiền sử dụng đất…

Các tin khác