2 điểm nghẽn thị trường địa ốc

(ĐTTCO) - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam, cho rằng thị trường BĐS đang tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là 2 điểm nghẽn nguồn vốn và thủ tục hành chính. 
 2 điểm nghẽn thị trường địa ốc
Về nguồn vốn, từ năm 2017 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS. Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa NHNN giao cho các NHTM 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước khoảng 17-18% và đến tháng 6-2018, nhiều NH đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Thông tư 19/2017 và mới đây Thông tư 16/2018 của NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 (20-11-2014) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài, đã quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các NH, chi nhánh NH nước ngoài, TCTD sẽ thực hiện giảm dần theo lộ trình. 
NHNN cũng yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và hạn chế cho vay vào các lĩnh vực như BĐS, chứng khoán, đồng thời  nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 150% lên 200%. Các động thái nêu trên khiến doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay NH do doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay NH, trong khi vốn huy động từ người dân do thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh. Để giảm phụ thuộc nguồn vốn NH, khoảng 2 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án, bên cạnh đó là huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, khách hàng.
Về thủ tục hành chính, trong thời gian qua đã có hiện tượng nhiều dự án BĐS của các nhà đầu tư trong nước không được hoặc chậm phê duyệt, cấp phép do các cán bộ “vừa làm vừa nghe ngóng” hoặc đùn đẩy lên cấp trên, làm chậm thời gian triển khai ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển chạy về các tỉnh lẻ, nơi có nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư hoặc nhiều chủ đầu tư tay ngang, không đủ tiềm lực tài chính phải bán dự án.
Đây sẽ là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp với tiềm lực tài chính vững vàng. Trong năm 2019, nguồn cung BĐS trên thị trường có thể chưa ảnh hưởng nhiều vì các doanh nghiệp vẫn còn hàng để bán. Tuy nhiên, trong tương lai nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, thị trường sẽ thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
Theo ông Nam, thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM đang có sự phát triển bền vững với tốc độ ổn định. Các dự án vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh và liên tục cung cấp ra thị trường. Chỉ tính riêng trong quý III-2018, 2 địa phương này đã đưa vào thị trường 20.328 sản phẩm mới. Cơ cấu sản phẩm hợp lý, kéo theo giao dịch thành công tăng, đạt 12.720 sản phẩm, nâng tỷ lệ hấp thụ đạt 63,5%.
Con số này tăng gấp rưỡi so với lượng giao dịch của năm 2014 chứng tỏ người mua nhà phần lớn từ nhu cầu thực, đồng thời cho thấy không có biểu hiện của thị trường ảo hoặc bong bóng BĐS. Đáng chú ý, mặc dù giao dịch tăng trưởng mạnh nhưng giá BĐS luôn được giữ ở mức ổn định.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện nay rất lớn, khả năng thanh toán tốt, tuy nhiên đang có sự chững lại nhất định do các vấn đề về pháp lý. Thời gian tới, với sự tăng trưởng mạnh của du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, đặc biệt là các tín hiệu tích cực khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng ban hành theo thẩm quyền các văn bản về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu. Như vậy, loại hình BĐS nghỉ dưỡng đã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa. Khi đó, phân khúc BĐS này chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tích cực.

Các tin khác