1 sai phạm, 2 cách xử lý?

Văn phòng UBND TPHCM đã có Thông báo kết luận của Thường trực UBND TP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với CTCP Bất động sản Bình Thiên An Liên quan tại dự án đảo Kim Cương, phường Bình Trưng Tây, quận 2. Theo đó, TP kiên quyết buộc tháo dỡ hàng ngàn m2 sàn xây dựng sai phạm tại dự án này.

Văn phòng UBND TPHCM đã có Thông báo kết luận của Thường trực UBND TP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với CTCP Bất động sản Bình Thiên An Liên quan tại dự án đảo Kim Cương, phường Bình Trưng Tây, quận 2. Theo đó, TP kiên quyết buộc tháo dỡ hàng ngàn m2 sàn xây dựng sai phạm tại dự án này.

Theo kết luận của cơ quan thanh tra, tổng diện tích sàn xây dựng vi phạm tại dự án Đảo Kim Cương là 2.899,6m2, chủ yếu do chủ đầu tư xây dựng tăng 1-2 tầng tại một số block so với giấy phép.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã thống nhất hướng xử lý với các sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công theo đề xuất của Sở Xây dựng TP, đồng thời chỉ đạo có hình thức xử phạt nghiêm đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Theo đó buộc ngừng thi công công trình vi phạm; buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ phần diện tích sai phạm trừ trường hợp được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép điều chỉnh dự án, thiết kế phù hợp với hiện trạng vi phạm, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và các chỉ tiêu quy hoạch tại khu vực, địa điểm vi phạm.

Ngày 20-4, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã có Văn bản 1750/UBND-PCNC gửi Bộ Xây dựng báo cáo về việc xử lý chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương. Ngoài các sai phạm nói trên, tại dự án này còn sai phạm trong việc lấn chiếm hành lang an toàn kênh rạch.

Cụ thể, chủ đầu tư đã thi công công trình bê tông cốt thép có chiều cao 0,5-0,7m, rộng 10m, chiều dài dọc theo rạch Giồng Ông Tố khoảng 155m với mép ngoài công trình nằm cách đỉnh kè đã xây dựng 18,5m.

Việc bất nhất trong xử lý sai phạm ở Đảo Kim Cương đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Việc bất nhất trong xử lý sai phạm ở Đảo Kim Cương đang đặt ra
nhiều thách thức trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Theo quy định về hành lang an toàn kênh rạch của TPHCM, Giồng Ông Tố là rạch giao thông thủy, có cấp kỹ thuật đường thủy nội địa cấp IV, hành lang bảo vệ sông kênh rạch 30m tính từ đỉnh kè đã xây dựng vào phía bờ. Như vậy, hạng mục công trình Đảo Kim Cương đã xây dựng trong hành lang bảo vệ rạch Giồng Ông Tố, không đảm bảo an toàn cho dự án về lâu dài.

Văn bản của UBND TP cũng cho biết theo kết quả đối chiếu của Sở Xây dựng có hạng mục công trình ngầm đường nội bộ bằng bê tông cốt thép với diện tích khoảng 1.150m² nằm trong hành lang bảo vệ an toàn sông, kênh rạch và theo giải thích của chủ đầu tư, phần công trình này đã được Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt?

Để có cơ sở xử lý cụ thể, UBND TP xin ý kiến Bộ Xây dựng 2 vấn đề: hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với phần diện tích tăng thêm (gần 2.900m2) và hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế, nghĩa vụ tài chính đối với phần tăng thêm này.

Vậy nhưng, điều khó hiểu là Bộ Xây dựng lại có công văn đề nghị “UBND TPHCM giao cho cơ quan có chức năng tại địa phương hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế theo đúng quy định hiện hành”.

Dư luận cho rằng, đề nghị trên của Bộ Xây dựng chẳng khác nào quăng “phao” giúp chủ đầu tư khỏi vuột mất hàng triệu USD - giá trị được tạo ra từ hàng ngàn m2 sàn xây dựng trái phép - nếu bị TP yêu cầu tháo dỡ. Giả định nếu 3.000m2 sai phạm của Đảo Kim Cương được điều chỉnh thiết kế y chuẩn đề nghị của Bộ Xây dựng, rõ ràng quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng/gần 3.000m2 sai phạm sẽ trở thành một câu chuyện hài hước.

Bởi vấn đề phạt tiền sẽ vô nghĩa khi công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Hơn nữa, từ câu chuyện Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh thiết kế tại dự án Đảo Kim Cương đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.

Theo đó hàng trăm công trình cao ốc sắp mọc lên sẽ lại theo điệp khúc: xây dựng trái phép - phạt - điều chỉnh. Lúc đó, liệu cơ quan quản lý địa phương có đủ nhân lực, thời gian, công sức để chạy theo điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của nhà đầu tư và của bộ chức năng?

Sai phạm rõ ràng nhưng 2 cách xử lý lại khác nhau, trong đó đề nghị của Bộ Xây dựng liệu có cảm tính, quá nuông chiều chủ đầu tư?

Các tin khác