Xe buýt đối phó xe ôm công nghệ

(ĐTTCO) - Ở TPHCM, xe buýt vốn là phương tiện công cộng không thể thiếu với học sinh, sinh viên và người lao động thu nhập thấp. Thế nhưng khi xe buýt đang vướng vào gian nan như ít người đi, trợ giá bị cắt, thì nay phải cạnh tranh đối đầu với sự xuất hiện của các hãng xe ôm công nghệ với nhiều dịch vụ ưu đãi.
Xe buýt đối phó xe ôm công nghệ
Di chuyển một đoạn đường dài từ quận Bình Thạnh, vừa bước xuống từ chuyến xe buýt chật như nêm ở làng Đại học Thủ Đức, với vẻ mặt mệt mỏi, em Nguyễn Thị Lệ Ngân, sinh viên năm thứ 4 Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết vì xe máy bị hư nên buộc phải đi xe buýt. Là con gái, nên Ngân rất ngại đi xe buýt vì phải chịu cảnh chen lấn, nhồi nhét. Đã vậy không ít lần còn phiền lòng vì thái độ phục vụ không thân thiện của nhân viên soát vé cũng như đối mặt với nhiều đối tượng trộm cắp.
Cũng chính vì sự phiền toái nói trên, khi xe ôm công nghệ bùng nổ, xe buýt bị mất khách là điều tất yếu. Ghi nhận từ những người thường xuyên đi phương tiện vận tải công cộng ở TPHCM, cho thấy với những quãng đường từ 3km trở lên, họ chọn đi xe buýt vì giá rẻ hơn, lại tương đối an toàn, nắng mưa cũng yên tâm. Tuy vậy, bất tiện của xe buýt là thường xuyên bị kẹt xe, thời gian không đảm bảo, khiến hành khách lỡ nhiều việc quan trọng. Với xe ôm công nghệ, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại đặt cuốc đi, sau vài phút tài xế đến tận nhà để đón. 
So với xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ còn có ưu điểm như giá rẻ hơn, công khai, minh bạch lộ trình nên người đi đường không sợ bị lừa hoặc bị chém giá. Do áp dụng công nghệ thông minh để kiểm soát cả lái xe và lộ trình, tính an toàn của xe ôm công nghệ được bảo đảm hơn.
Đi xe buýt phải cuốc bộ một đoạn xa mới đến trạm, còn xe ôm luôn hét giá cao, trong khi dịch vụ GrabBike lịch sự hơn hẳn, xe đến tận nơi đón, đúng giờ, giá cả rõ ràng không lo bị hớ. Theo thống kê, hiện GrabBike có số lượng khoảng 120.000 tài xế. Gần đây, với sự xuất hiện của GoViet, tại các quận, huyện của TPHCM tràn ngập các tài xế xe ôm áo xanh, áo đỏ. Và hiện nay cứ 10 người dân Việt Nam có 2 người dùng dịch vụ của Grab.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tuyến xe buýt có trợ giá số 149 và 40 phải tạm ngưng chạy, do nhu cầu đi lại trên tuyến thấp không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động. Mới đây, 2 tuyến buýt số 37 và 60 cũng chung số phận và dừng hoạt động. Đã vậy còn gặp sự cạnh tranh của các loại hình vận chuyển như GrabBike, GoViet, nên xe buýt đang đi vào ngõ hẹp, nguyên nhân do việc kết nối giữa các tuyến xe buýt còn hạn chế, có những quãng đường hành khách phải đi 2-3 tuyến mới đến nơi. 
Nếu tính toán hành khách đi xe ôm công nghệ, giá tiền không rẻ so với xe buýt, nhưng tại sao không chọn ngồi máy lạnh trên xe buýt với giá mềm hơn? Rõ ràng người dân luôn cân nhắc cái nào có lợi hơn sẽ chọn, bỏ xe buýt để lựa chọn xe ôm công nghệ chủ yếu do xe buýt không hấp dẫn. Khi kẹt xe “đồng hành” với phát triển đô thị, phát triển hệ thống giao thông công cộng, tổ chức giao thông thông minh và kiểm soát nhu cầu, là các giải pháp tương đối đồng bộ bền vững hiện nay.
Tuy nhiên, khi cơ sở hạ tầng giao thông ở TP vẫn còn hạn chế, mạng lưới giao thông công cộng như xe buýt vẫn còn mỏng, các tuyến metro vẫn chưa thi công xong, xe ôm công nghệ sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hệ thống giao thông công cộng.

Các tin khác