TPHCM vẫn loay hoay chống ngập

Hệ quả biến đổi khí hậu

(ĐTTCO) - Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển và là nước dễ bị tổn thương đặc biệt do tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Ngoài việc nhiệt độ trên các vùng, miền của nước ta đều có xu thế tăng, mực nước biển dâng trung bình có khả năng cao hơn mức trung bình toàn cầu, hệ quả dễ thấy nhất hiện nay là lượng mưa dự báo sẽ tiếp tục tăng trên phạm vi toàn quốc, phổ biến tăng 5-15%, thậm chí trên 20%.

Hệ quả biến đổi khí hậu

Liên tiếp những ngày qua, TPHCM đón nhận những cơn mưa to. Đặc biệt, cơn mưa kỷ lục trong vòng 40 năm qua, với vũ lượng mưa đạt trên 204mm vào chiều 26-9, đã khiến hàng chục tuyến đường của TP chìm trong biển nước. Đến tận 20h tối, đường phố vẫn lênh láng nước, ngay giữa những tuyến đường trung tâm nước chảy cuồn cuộn cuốn theo nhiều xe máy, nhiều người khác phải bơi theo dòng nước, gồng mình níu giữ xe máy khỏi bị trôi… Cơn mưa cũng khiến sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra tình trạng ngập cục bộ tại một số sân đậu tàu bay, đồng thời khiến 11 chuyến bay tới Tân Sơn Nhất của 3 hãng hàng không trong nước và 2 chuyến quốc tế phải chuyển hướng hạ cánh. Các TP lân cận như Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương)… cũng chìm trong biển nước. Trước đó, cơn mưa chiều tối 26-8 cũng đã khiến 50 chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet bị chậm hoặc phải chuyển tới hạ cánh ở các sân bay lân cận.

Tại các TP lớn trên cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng… từ nhiều năm qua, cứ sau mỗi trận mưa lớn là nhiều con đường biến thành… sông. Khủng khiếp hơn, nhiều làng mạc, đặc biệt ở các tỉnh thành miền núi phía Bắc, Tây nguyên mưa còn gây lũ quét tàn phá ruộng đồng, đường giao thông, nhà cửa, công trình công cộng, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân. Thực trạng này đã được cảnh báo từ lâu. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, với khoảng 70% dân số sẽ phải đối mặt với những rủi ro vì bão, mưa lớn và lũ lụt. Bờ biển dài, địa hình rừng núi, nhiều sông suối và khí hậu nhiệt đới khiến bão, mưa lớn khiến Việt Nam sẽ phải chịu thiên tai và thời tiết khắc nghiệt với tần suất ngày càng gia tăng. Thiên tai gây thiệt hại về người, phá hủy nhà cửa, ruộng đồng khiến người dân mất phương tiện sinh sống và đẩy họ trở lại cảnh nghèo đói. Hàng năm, thiên tai gây thiệt hại tương đương khoảng 1,5% giá trị GDP.

Riêng tại TPHCM sẽ phải đối diện với những chuỗi mưa lớn ngày càng tăng lên. Mức độ tăng của lượng mưa và của nước sông gia tăng nhanh hơn cả sự gia tăng của mực nước biển. Đó là hậu quả của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng mưa cực đoan, lượng mưa hằng năm không tăng nhưng cường độ mưa tăng, điều này sẽ làm cho TPHCM ngập lụt nhiều hơn, nguy hiểm hơn. Theo tính toán, lượng mưa trung bình khu vực TPHCM năm 2020 là 1.857mm, nhưng vào năm 2070 tăng tối đa thêm 343mm.

Vượt xa 'tầm nhìn' chống ngập?

Nhiều năm qua, TPHCM đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức cho công tác chống ngập nhưng hiệu quả vẫn còn là thách thức. Nguyên nhân tình trạng ngập ở TPHCM chủ yếu là việc đô thị hóa đã không phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, sai lầm trong quy hoạch, phát triển ra vùng đất thấp mà không phải là vùng đất cao. TPHCM có địa hình tương đối phẳng, thấp, do việc đô thị hóa, nhiều khu trũng chứa nước mưa và triều trước đây đã bị san lấp làm gia tăng đỉnh triều, ngập lan rộng hơn. Các cống tiêu thoát nước mưa hiện còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ mà hiện đã lạc hậu trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra rõ nét, những trận mưa cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều và tổ hợp mưa lớn, triều cao xuất hiện thường xuyên hơn.

Vì thế, tình trạng ngập sẽ còn kéo dài trong suốt mùa mưa năm nay, dù cho TP có triển khai nhiều công trình chống ngập. Như mới đây TPHCM đã có văn bản kiến đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2016 để huy động 3.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn xây dựng các dự án dân sinh trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước… Năm ngoái TP cũng đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho nhiệm vụ này. Thực tế, dù từ nhiều năm nay TP đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng với bao giải pháp chống kẹt xe, ngập nước nhưng chẳng giảm được bao nhiêu, nếu không muốn nói là còn tệ hơn. Và người dân TP vẫn phải tiếp tục sống chung với ngập nước kẹt xe. Bởi lẽ, nguyên nhân của việc ngập nước còn liên quan đến yếu tố kỹ thuật của hệ thống cống thoát nước. Độ to nhỏ, độ dốc của các đường ống không theo kịp sự phát triển của đô thị. Nếu không đánh giá được chính xác những yếu tố này, ngập sẽ còn là tình trạng chung ở nhiều đô thị, chứ không phải riêng TPHCM.

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu cũng như tác động vào sự biến động khí hậu trong tự nhiên. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động của con người khi tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Và chính những hoạt động này góp phần làm gia tăng lượng mưa trên trái đất, trong đó có Việt Nam. Chính vì thế, những năm gần đây Chính phủ đã nỗ lực ứng phó với thiên tai qua việc giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng đến nay vẫn chưa có tiến bộ rõ rệt hoặc phương án cụ thể. Các cam kết chính trị rất rõ ràng và mạnh mẽ, nhưng vẫn còn những thiếu hụt lớn trong việc xây dựng khả năng ứng phó của cộng đồng và năng lực của chính quyền địa phương. Vì thế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta là vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhưng chủ động ứng phó ra sao vẫn chưa thấy rõ và dường như chúng ta vẫn chỉ đang loay hoay chống ngập mỗi khi trời mưa.

Các tin khác