Thủy sản bị cản vì chất cấm

Tại hội thảo kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu mới diễn ra hồi cuối tháng 10, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đưa ra những số liệu rất đáng báo động về chất lượng thủy sản xuất khẩu.

Tại hội thảo kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu mới diễn ra hồi cuối tháng 10, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đưa ra những số liệu rất đáng báo động về chất lượng thủy sản xuất khẩu.

 

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2015, số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là 165, tăng 6 lô hàng so với cả năm 2014, còn số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014. Theo đó, xuất khẩu thủy sản qua 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đều có những lô hàng bị cảnh báo.

Với thị trường Hoa Kỳ, theo báo cáo của Nafiqad, trong 9 tháng năm nay đã có 35 lô hàng bị cảnh báo vị phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, tăng 6 lần so với năm 2014; còn thị trường Nhật Bản là 27 lô hàng, trong đó chủ yếu liên quan đến kháng sinh cấm sử dụng và kháng sinh hạn chế sử dụng. Thị trường EU cũng phát hiện 27 lô hàng, chiếm tỷ lệ lớn nhất là nhiễm vi sinh với 18 lô hàng, tương đương gần 67% lô hàng bị cảnh báo.

Vi phạm tăng trong khi kim ngạch xuất khẩu của ngành có thể giảm trong năm nay (theo dự báo sẽ giảm khoảng 10-15% và chỉ đạt 6,6-6,7 tỷ USD giá trị, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái) đang đặt các DN trong ngành trước những thách thức vô cùng lớn. Nếu các DN không thực sự vào cuộc một cách rốt ráo hơn nữa để triệt tiêu tình trạng này, e rằng qua năm sau và những năm sau nữa tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Bởi khi hàng rào thuế quan không còn đồng nghĩa với việc hàng rào kỹ thuật sẽ mọc lên ngày một dày đặc hơn.

Các quy định của các nước nhập khẩu dành cho thủy sản Việt Nam chắc chắn còn gắt gao hơn rất nhiều. Trong cuộc chiến này đòi hỏi sự nỗ lực chuyển mình của các DN thủy sản, đồng thời cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch vùng nuôi trồng, hướng dẫn người nuôi cũng như quản lý các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản. Ngay sau khi tìm được nguyên nhân cần có hướng giải quyết triệt để, không thể để tình trạng nói rồi để đó, hội thảo xong mọi chuyện lại vẫn không có chuyển biến đáng kể nào.

Các tin khác