Thông tư “leo lên” nghị định và luật

(ĐTTCO) - Hàng loạt quy định tại các dự thảo văn bản dưới luật đang lấy ý kiến cho thấy vẫn còn nhiều rào cản hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

(ĐTTCO) - Hàng loạt quy định tại các dự thảo văn bản dưới luật đang lấy ý kiến cho thấy vẫn còn nhiều rào cản hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Tại văn bản góp ý mới đây về dự thảo thông tư quy định về quy trình lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô, VCCI cho rằng dự thảo này chưa có sự thống nhất với các văn bản “cấp trên” như Nghị định 86 (về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và chưa phù hợp với quy luật thị trường. Dự thảo này cùng với Thông tư 63 và 60 của Bộ Giao thông - Vận tải (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) đã yêu cầu doanh nghiệp chỉ được phép khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô nếu được cơ quan nhà nước lựa chọn thông qua cơ chế tương tự như hình thức đấu thầu. Đơn vị được lựa chọn là đơn vị “xếp thứ nhất” trong danh sách các đơn vị có hồ sơ đăng ký. Nói cách khác, với quy trình này, chỉ 1 doanh nghiệp được phép kinh doanh trên tuyến vận tải hành khách cố định bằng ô tô mới khai khác.

Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, văn bản cấp thông tư không được quy định về điều kiện kinh doanh. Còn nếu cần làm rõ điều kiện để “được cơ quan quản lý tuyến trên chấp thuận” như Nghị định 86, thì cần phải sửa Nghị định 86 thay vì ban hành thông tư quy định về điều kiện kinh doanh.

Theo Hiến pháp 2013, mọi chủ thể đều có quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thực hiện nguyên tắc này, theo Luật Đầu tư 2014, các ngành nghề kinh doanh chỉ được chia làm 3 loại: cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và tự do kinh doanh. Đối với loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện các điều kiện này chỉ bao gồm yêu cầu về năng lực, loại hình pháp lý, quy mô/nguồn vốn, về cơ sở vật chất… nhưng không bao gồm điều kiện nào về độc quyền (hiểu theo nghĩa điều kiện hạn chế số lượng chỉ ở 1 doanh nghiệp được phép kinh doanh trên một thị trường cụ thể). Ngoài ra, việc chỉ có duy nhất 1 chủ thể độc quyền kinh doanh, cạnh tranh hoàn toàn bị triệt tiêu trong trường hợp này. Do đó, người tiêu dùng sẽ không có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, lựa chọn về giá, chất lượng… từ đó quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ dự thảo này bị VCCI chỉ ra nhiều hạt sạn mà còn rất nhiều văn bản trước đó, không hiểu do cố tình hay vô tình mà ban soạn thảo các bộ, ngành đã chèn thêm rất nhiều điều kiện bất hợp lý, làm khó cho doanh nghiệp khi muốn kinh doanh. Chính vì vậy, việc VCCI khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất năm 2015 với mục tiêu đánh giá chính sách, pháp luật của Nhà nước mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều kỳ vọng về việc góp phần loại bỏ các hạt sạn này.

Các tin khác