Tăng giá vận tải dịp tết - Lợi ích nhóm?

Hiện nay đã bước vào trung tuần tháng 12 và đây cũng là thời gian giá cả có xu hướng tăng do trùng vào nhiều ngày lễ như Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Dịp này lượng lưu chuyển hàng hóa sẽ tăng mạnh, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình.

Hiện nay đã bước vào trung tuần tháng 12 và đây cũng là thời gian giá cả có xu hướng tăng do trùng vào nhiều ngày lễ như Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Dịp này lượng lưu chuyển hàng hóa sẽ tăng mạnh, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương và nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội đã sẵn sàng bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường cuối năm 2011 và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

Tuy nhiên, theo thông báo của Vietnam Airlines, từ ngày 15-12 hãng sẽ điều chỉnh giá vé máy bay nội địa theo khung giá trần mới. Theo đó, các mức giá được xây dựng trên cơ sở khung giá cước vận chuyển chia theo giới hạn 5 cự ly đường bay nội địa và mức giá cao nhất tăng 20% so với mức giá hiện tại (hạng phổ thông) và không quá 5% đối với hạng thương gia.

Không chỉ vận tải hàng không, trong dịp Tết Nguyên đán 2012, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng dự định điều chỉnh tăng 10% giá vé hiện hành đối với các mác tàu số chẵn trước tết (tàu chạy TPHCM-Hà Nội) và các mác tàu số lẻ sau tết (Hà Nội-TPHCM). Riêng thời gian cao điểm từ 0 giờ ngày 14 đến 21-1-2012 và từ ngày 26-1 đến 3-2-2012, điều chỉnh tăng từ 19-39%. Ngoài ra, nhiều đơn vị vận tải có xe hoạt động tại Bến xe Miền Đông (TPHCM) cũng thông báo vé xe chạy dịp tết sẽ phụ thu 20-60% tùy theo tuyến đường và ngày khởi hành.

Trong khi các bộ, ngành, địa phương nỗ lực trong việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, việc giá cước hàng loạt phương tiện vận tải sẽ tăng vào thời gian cao điểm gần dịp tết, đang gây bức xúc cho dư luận. Người dân đặt vấn đề tại sao các hãng vận tải không chọn thời điểm khác mà cứ vào đúng dịp “năm hết tết đến” để tăng giá?

Nếu lấy lý do dịp tết đông khách nên phải điều chỉnh giá để phân loại khách đi vào các giờ hợp lý hơn cũng chưa thuyết phục. Bởi lẽ hàng chục năm nay, có dịp tết nào lượng khách đi lại không quá tải so với năng lực phục vụ của ngành giao thông?

Vì thế, dù trong cơ cấu tính chỉ số giá tiêu dùng cả nước, nhóm giao thông không chiếm trọng số lớn, nhưng việc các hãng vận tải “đánh” vào túi tiền của người dân vào dịp cuối năm chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng không tốt và có thể tạo đà cho tâm lý tăng giá các mặt hàng khác vào thời điểm nhạy cảm này, đặc biệt khi giá cả năm nay đã leo thang đến 17,5% sau 11 tháng.

Người dân cũng hiểu rằng, khi giá cả hàng hóa trong nước có nhiều biến động phức tạp theo chiều hướng tăng, việc các doanh nghiệp vận tải chịu sức ép phải tăng giá khi nhiên liệu đầu vào tăng là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, việc tăng vào thời điểm nào, nhiều hay ít lại là vấn đề cần hết sức lưu ý, nhất là hàng hóa dịp Tết Nguyên đán vốn có thừa các yếu tố tâm lý để tăng giá.

Năm 2012, nhiều mặt hàng quan trọng như điện, nước, xăng dầu, than… có thể tiếp tục phải tăng giá theo lộ trình và theo hướng tiếp cận giá cả thị trường hơn. Mọi lo lắng của người tiêu dùng lại tiếp tục đổ dồn vào thời điểm sau tết. Đây là vấn đề các cơ quan có trách nhiệm cần hết sức lưu tâm.

Bởi một trong những nguyên nhân khiến lạm phát năm 2011 tăng cao là nhiều mặt hàng (xăng dầu, điện, tỷ giá…) điều chỉnh vào thời điểm không hợp lý, cộng với việc giá cả trên thị trường thế giới cũng tăng cao, làm cho lạm phát tháng 3 và 4-2011 tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề đặt ra là cách lý giải của các hãng vận tải trong việc nới trần, tăng giá được thực hiện trên cơ sở cân đối hiệu quả kinh doanh và các mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đảm bảo tối đa quyền lợi người tiêu dùng.

Thế nhưng, việc chọn thời điểm nhạy cảm để tăng giá khiến mọi người nghĩ rằng ngành giao thông chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp và có thể chỉ phục vụ lợi ích một nhóm nào đó. Điều này cũng làm nhiều người có cảm giác các hãng vận tải lợi dụng thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng để “tận thu”, bắt chẹt khách hơn là mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô hay vì quyền lợi người tiêu dùng.

Bởi lẽ, việc các phương tiện vận tải quan trọng như tàu, xe khách tăng giá cũng đồng nghĩa “đánh” vào túi tiền người có thu nhập không cao, những người phải xa quê làm ăn và tích cóp ít tiền về quê ăn tết sau 1 năm vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người.

Các tin khác