Suy ngẫm và thực thi

48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng qua là con số được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng qua là con số được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trong đó, 5.803 doanh nghiệp giải thể, 11.421 ngừng hoạt động và  31.477 doanh nghiệp dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể. Theo người đứng đầu bộ “tham mưu kinh tế tổng hợp” này của Chính phủ, đây là kết quả khảo sát, điều tra nghiêm túc của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Trước đó, kết quả khảo sát 7 tháng năm 2011 của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, tiêu thụ  sản phẩm rất khó khăn. 2/3 trong số 136 mặt hàng có lượng tồn kho cao hơn so cùng kỳ năm trước: đồ gỗ 92,4%, đồ uống không cồn 84,4%, cáp và dây điện 73,5%, bia 71,6%…

Khó khăn chủ yếu của các doanh nghiệp được nhận diện: lãi suất quá cao (trên 22%/năm), cung tín dụng bị giới hạn đột ngột, điều hành giật cục, việc tăng giá xăng dầu, điện gần như cùng thời điểm với tăng lương tối thiểu (từ 1-5 và tiếp tục bắt đầu từ 1-10-2011) đã làm đội giá thành sản xuất trong khi giá bán không tăng tương ứng do sức mua giảm sút.

Việc “khai sinh” rồi “khai tử” các doanh nghiệp cũng là chuyện bình thường như việc được sinh ra, tồn tại, phát triển hay chết đi của các thực thể tự nhiên. Có người nói “chuyện không có gì ầm ĩ” khi cùng thời gian này cũng có khoảng 57.800 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn hơn 363.700 tỷ đồng, tuy có giảm 7,8% về số doanh nghiệp và giảm 4% về vốn so với cùng kỳ năm 2010.

Tuy nhiên, so cùng kỳ năm 2010, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 năm nay đã tăng 21,8%, chiếm khoảng 10% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, là điều đáng suy ngẫm.

Nói như vậy để thấy khó khăn không chỉ ở năm 2011 mà kéo dài sang cả năm 2012. Bởi Chính phủ vừa phát đi thông điệp tiếp tục kiềm chế lạm phát, trong đó nhấn mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 giảm còn 15-17% thay vì dưới 20%. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận nguồn tín dụng. Cũng dễ hiểu, bởi đa phần doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn vay.

Thống kê cho thấy trong 15 năm qua, năm tăng trưởng tín dụng thấp nhất là 1998, cũng đã lên đến 16,4%; bùng nổ mạnh nhất là vào năm 2010 tăng trưởng đến 39% so năm 2008 nên lạm phát ập đến trong năm 2010 và buộc năm 2011 phải thắt lại. Tuy nhiên không thể nói mở quá dễ để rồi thắt lại cũng không khó.

Vấn đề đặt ra lúc này là hài hòa trong kiểm soát tín dụng, chẳng hạn khơi thông nguồn vốn khác cho doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp càng khó chưa chắc kiểm soát lạm phát bền vững, vì khi đó xã hội phải dựa vào hàng nhập, gây sức ép lên tỷ giá, dễ gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Tín hiệu đáng mừng thời gian gần đây là kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 11: Giá cả đang có xu hướng giảm, điều hành tiền tệ linh hoạt hơn, đặc biệt thái độ và hành động cương quyết của Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ trong việc điều hành. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam - những người lính xung kích trên mặt trận kinh tế.

Do vậy đòi hỏi bộ máy hành chính phải năng động, sáng tạo, nhanh chóng, kịp thời, cương quyết. Doanh nghiệp đang mong chờ Chính phủ tiếp tục cải sửa những bất cập trong chính sách đối với doanh nghiệp, trong đó có chính sách giá cả, tiền tệ - tín dụng; thay đổi cách làm từ kinh nghiệm thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua.

Chẳng hạn  thay vì hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp (thực chất chỉ mang danh nghĩa vì doanh nghiệp không có lãi) bằng hỗ trợ kỹ thuật sẽ có tác động chi phối làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ. Hay việc thực hiện chương trình bình ổn giá chỉ mới tác động tới hệ thống phân phối có siêu thị, chưa hỗ trợ tích cực các khâu chế biến, đầu ra của doanh nghiệp.

Đó là việc làm ý nghĩa của ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 và vì sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp Việt Nam.

Các tin khác