Sự cố Trường Melior: Trách nhiệm, giám sát?

Mấy ngày gần đây, sự việc Trường Kinh doanh Melior đóng cửa gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Phụ huynh, học viên xót xa về khoản học phí khủng đã đóng, việc học dang dở, mọi nỗ lực đòi lại tiền trở nên vô vọng. Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài qua Việt Nam mở trường, lớp, tuyển sinh thu tiền rồi bỏ trốn, gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy tại sao trò lừa phi giáo dục này vẫn diễn ra được, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Mấy ngày gần đây, sự việc Trường Kinh doanh Melior đóng cửa gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Phụ huynh, học viên xót xa về khoản học phí khủng đã đóng, việc học dang dở, mọi nỗ lực đòi lại tiền trở nên vô vọng. Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài qua Việt Nam mở trường, lớp, tuyển sinh thu tiền rồi bỏ trốn, gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy tại sao trò lừa phi giáo dục này vẫn diễn ra được, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Công ty TNHH Melior Việt Nam, đơn vị chủ quản Trường Kinh doanh Melior (địa chỉ: 97 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận) được Sở Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) TPHCM cấp phép thành lập ngày 20-7-2009, với chức năng hoạt động là đào tạo nghề ngắn hạn.

Người đại diện pháp luật là ông Cheng Sim Kok. Dù chỉ là một công ty đào tạo nghề, nhưng công ty lại thuê mặt bằng mở “trường”, tuyển sinh cả hệ cao đẳng và đại học, nội dung trên quảng cáo chiêu sinh rất kêu: “Trường Kinh doanh Melior thuộc Tập đoàn Giáo dục Melior, một tổ chức giáo dục tư nhân đăng ký với Bộ Giáo dục Singapore và được cấp Giấy chứng nhận EduTrust và CaseTrust trong lĩnh vực giáo dục tại Singapore, được thành lập tháng 7-2004 tại Singapore. Trường có thành tích trong công cuộc cung cấp hệ thống giáo dục tư thục thông qua chương trình Anh ngữ cho người nước ngoài, chương trình cử nhân và cao đẳng nâng cao cho sinh viên quốc tế và sinh viên Singapore”.

Với quảng cáo lập lờ, lấn sân, gắn mác “quốc tế” nên sau 3 năm thành lập, số lượng học viên Melior Việt Nam “chiêu dụ” được không nhỏ. Theo hợp đồng ký với nhà trường, mỗi học viên được đào tạo trong vòng 15 tháng, mức học phí chuyên ngành 10.500USD và 5 khóa tiếng Anh, mỗi khóa 8.900USD.

Điều trớ trêu là ngay sau sự cố ông Cheng Sim Kok “ẵm” học phí bỏ trốn, trường Melior tại Singapore gửi email cho học viên đính chính Melior Việt Nam là trường được mở theo hình thức nhượng quyền thương hiệu, song bản chất Melior Singapore không “bà con, họ hàng” với Melior Việt Nam. Do đó trách nhiệm trong vụ giật tiền của ông Cheng Sim Kok không liên quan đến Melior Singapore!

Phụ huynh và sinh viên tụ tập trước Trường Melior Việt Nam đã đóng cửa. 

Phụ huynh và sinh viên tụ tập trước Trường Melior Việt Nam đã đóng cửa.

Nỗ lực đầu tiên của UBND TPHCM là chỉ đạo cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Melior Việt Nam, cấm xuất cảnh Cheng Sim Kok. Tuy nhiên với bản chất “cáo già”, Cheng Sim Kok đã tiên liệu từ trước, rút sạch tiền và rời khỏi Việt Nam trước khi có thông tin trường đóng cửa. Để bảo vệ quyền lợi cho học viên, các cơ quan chức năng không còn cách nào khác “kêu cứu” Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Singapore truy tìm tung tích “siêu lừa” Cheng Sim Kok.

Việc “vạch mặt” hụt lần này không giúp ích nhiều cho các học viên, phụ huynh đã trót chọn nhầm Trường Melior. Nhưng qua đó mới thấy sự tắc trách, quản lý chồng chéo, lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Bởi trước đó, Melior đã bị Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) kiểm tra và xử phạt 2 lần do vi phạm tuyển sinh, đào tạo trái phép.

Tháng 4-2012, Bộ GD-ĐT đã xử phạt hành chính bằng tiền và yêu cầu Melior chấm dứt tuyển sinh, đào tạo đại học, cao đẳng liên kết với nước ngoài. Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị phối hợp xử lý, chấn chỉnh hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài của Melior. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT và các cơ quan có liên quan giám sát kỹ Melior.

Đến giữa tháng 10-2012, Thanh tra Bộ GD-ĐT một lần nữa phát hiện đơn vị này đào tạo, thu học phí của học viên trái phép nên xử phạt lần 2 và đề nghị UBND TPHCM rút giấy phép của Melior và 3 đơn vị có sai phạm tương tự khác là: Công ty TNHH Đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore (SIBME), Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC), Viện Quản trị tài chính (IFA).

Trước đề nghị của cơ quan thanh tra, UBND TPHCM ra văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT (làm đầu mối), phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Công an TPHCM xem xét rút giấy phép hoạt động của 4 đơn vị này.

Tuy nhiên, mãi tới ngày 9-11, Sở GD-ĐT mới đề nghị các sở khác phối hợp xem xét rút giấy phép của Melior thì ông Cheng Sim Kok đã “lặn” khỏi Việt Nam. Thiệt hại của những học viên tại Melior do việc xử lý thiếu kiên quyết, “rùa bò” của các đơn vị quản lý trực tiếp, còn bắt nguồn từ sự quản lý chồng chéo, mạnh ai nấy quản.

Như, Bộ GD-ĐT trước đó xử phạt Melior và cấm hoạt động đào tạo bậc đại học, cao đẳng thì Sở LĐ-TB-XH TPHCM lại cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề cho đơn vị này. Lý lẽ Sở LĐ-TB-XH TPHCM đưa ra do: “Melior hứa khắc phục hậu quả, xin hoạt động đúng theo chức năng. Không ngờ một mặt nhận lỗi, một mặt trường lại đột ngột ngưng hoạt động”.

Vụ việc trường Melior đóng cửa, ông Cheng Sim Kok ôm tiền đào thoát xảy ra đã nhiều ngày và giấy phép của công ty đã bị rút. Đâu đó xuất hiện một vài lời biện minh, bào chữa của những người có trách nhiệm quản lý. Nhưng dư luận cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ngồi lại tìm ra lỗ hổng quản lý và bít lại thay vì cứ để xảy ra sai sót rồi rút kinh nghiệm.

Các tin khác