Sập cầu lộ ra nhiều “lỗ hổng”

(ĐTTCO) - Cầu Ghềnh do Pháp xây dựng vào năm 1902, dài 223m bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào cù lao Phố. Cầu được xây bằng thép theo kiến trúc Gothic độc đáo do hãng Eiffel của Pháp thiết kế. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong 3 công trình của kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel tại Việt Nam (ngoài cầu Long Biên ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở Huế). Không chỉ có giá trị về kiến trúc, cầu Ghềnh còn có vai trò quan trọng trong giao thông. Trên cầu, ngoài tuyến đường bộ và đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam.

(ĐTTCO) - Cầu Ghềnh do Pháp xây dựng vào năm 1902, dài 223m bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào cù lao Phố. Cầu được xây bằng thép theo kiến trúc Gothic độc đáo do hãng Eiffel của Pháp thiết kế. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong 3 công trình của kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel tại Việt Nam (ngoài cầu Long Biên ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở Huế). Không chỉ có giá trị về kiến trúc, cầu Ghềnh còn có vai trò quan trọng trong giao thông. Trên cầu, ngoài tuyến đường bộ và đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Cây cầu Ghềnh từ lâu được coi là một di sản, biểu tượng quý giá trong lòng người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Cầu Ghềnh sập, đó là một mất mát rất lớn với người dân Biên Hòa về giá trị tinh thần. Cây cầu đã đứng vững hơn 100 năm, trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh và cả giai đoạn đất nước hòa bình, đổi mới sau này. Đúng ra cầu Ghềnh đã hoàn thành sứ mệnh của mình từ lâu, cần có một cây cầu khác thay thế bên cạnh để bảo tồn nó như một công trình lịch sử giá trị. Tiếc là chúng ta đã không thể giữ được nó. Lòng người dân Biên Hòa sẽ mãi mãi không bao giờ quên hình ảnh cầu Ghềnh gắn bó với 1/3 chặng đường phát triển của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Có lẽ phải đến lúc này, khi các trang báo đã tràn ngập những hình ảnh long đong vất vả của hàng chục ngàn người phải chuyển tàu và khi được thông báo là cảnh này sẽ còn kéo dài rất nhiều tháng nữa và chưa biết chính xác khi nào kết thúc, nhiều người mới giật mình: hậu quả của tai nạn giao thông không chỉ được đong đếm bằng số người chết và bị thương, mà ghê gớm hơn, nó còn có thể làm đảo lộn cả ngành giao thông và việc đi lại của hàng triệu người.

Điều đáng nói tại sao những vụ việc như cầu Ghềnh cứ liên tục xảy ra, dù chúng ta đã có cảnh báo từ trước. Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cả nước có 427 cây cầu nằm trong các tuyến vận tải đường thủy nội địa, trong đó có 64 cầu thuộc diện ưu tiên cần nâng cấp, 5 cầu được liệt vào danh sách đặc biệt phải nâng cấp gồm cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Chui (đều ở Hà Nội), cầu Bình Lợi (TPHCM) và cầu Ghềnh. Như vậy, cầu Ghềnh đã được xác định là 1 trong 5 cây cầu thuộc diện nguy hiểm đặc biệt cần được nâng cấp. Hiện tại các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý vụ sập cầu Ghềnh. Nguyên nhân và các giải pháp cũng đã được đưa ra với tinh thần nối lại tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam một cách nhanh nhất.

Cầu Long Biên là 1 trong 5 cây cầu thuộc diện nguy hiểm đặc biệt cần được nâng cấp.

Cầu Long Biên là 1 trong 5 cây cầu thuộc diện nguy hiểm đặc biệt cần được nâng cấp.

Tôi được biết, đây không phải là lần đầu tiên đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn do sà lan, tàu bè đâm vào cầu. Trước đó, vào tháng 11-2015 một sà lan chở đá đã tông vào cầu Bình Lợi làm thanh ray tàu lửa bị lệch hẳn sang một bên, các dầm gỗ cố định đường ray bị gãy. Sự cố khiến lịch khởi hành của nhiều chuyến tàu bị hoãn, các đoàn tàu đang di chuyển phải dừng khẩn cấp. Thống kê cho thấy từ năm 2009 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ tàu, sà lan đâm va cầu Bình Lợi khiến đường sắt phải gián đoạn tương tự. Và khi sự cố xảy ra, người ta mới thấy quá nhiều lỗ hổng từ công tác quản lý nhà nước đến ý thức của người lái tàu, lái sà lan.

Thực tế, sau vụ tai nạn thương tâm trên cầu Ghềnh vào tháng 2-2011 khiến 2 người chết và 22 người bị thương, tháng 3-2011 UBND TP Biên Hòa đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư cầu vượt sông Đồng Nai để tách giao thông đường sắt chung với đường bộ qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát. Theo đó, TP đề xuất xây cầu dài 550m nằm về phía hạ lưu (cách cầu Ghềnh 930m) với kinh phí dự kiến 627 tỷ đồng, kết nối giao thông từ phía các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An đến cù lao Hiệp Hòa rồi lưu thông qua cầu đang xây dựng để vào trung tâm TP. Khi đó các phương tiện từ TP Biên Hòa đi TPHCM sẽ theo tuyến cầu này ra ngã ba Tân Vạn, giảm tối đa lượng xe tập trung ở các tuyến đường nội ô như đường Phạm Văn Thuận, vòng xoay Tam Hiệp, vòng xoay ngã ba Vũng Tàu. Cây cầu dài 550m nếu được ra đời sẽ tách hoàn toàn luồng giao thông đường sắt - đường bộ chung qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát, tránh được tai nạn giao thông. Tất cả ý tưởng và giải pháp đều đã có nhưng đến nay dường như vẫn chưa thấy triển khai gì.

Đã có quá nhiều sự cố xảy ra với các cây cầu, nhất là những cây cầu có đường sắt đi qua. Không cần nghĩ đâu xa, chỉ riêng hiện tượng và nguy cơ từ cầu Bình Lợi đã là những cảnh báo cấp thiết cho cầu Ghềnh và các cây cầu khác, nhưng đáng tiếc nó đã không được người ta để ý tới. Những “lỗ hổng” này bao giờ mới được lấp kín đang đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời, đừng để xảy ra những vụ việc tương tự để rồi lại ngồi với nhau “rút kinh nghiệm”.

Những cây cầu sắt trên trăm tuổi

Cầu Long Biên, Hà Nội: Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Công ty Daydé & Pillé của Pháp khởi công xây dựng từ năm 1899 và hoàn thiện năm 1902. Cầu có kiến trúc vững chãi, dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ. Cầu có đường sắt chạy ở giữa, hai bên là đường cho người đi bộ và xe cơ giới. Cầu Long Biên đã gắn liền với lịch sử Hà Nội suốt hơn 100 năm qua.

Cầu Tràng Tiền, Huế: Gắn liền với hình ảnh xứ Huế mộng mơ, có kiến trúc theo kiểu Gothic, do hãng Eiffel của Pháp thiết kế và xây dựng, hoàn tất năm 1899. Cầu dài 402,6m, rộng 5,4m bắc qua sông Hương, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược. Cây cầu đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, từng bị hư hại thậm chí đánh sập trong chiến tranh, sau đó được tu sửa lại. Cầu Tràng Tiền đã trở thành một phần cuộc sống của người dân Huế, và là điểm tham quan không thể bỏ qua với du khách thập phương.

Cầu Mống, TPHCM: Cây cầu duy nhất còn từ thời Pháp tới giờ của TPHCM bắc qua kênh Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. Cầu do công ty Eiffel của Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1893, hoàn tất năm 1894. Cầu được xây bằng thép kiên cố, dài 128m, mang đậm kiến trúc phương Tây. Cầu Mống hiện không còn là nơi lưu thông xe cộ, mà trở thành điểm hẹn hò lãng mạn của giới trẻ Sài Gòn, điểm tham quan của du khách thích khám phá TP và thu hút rất nhiều bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh. Ngày 19-11-2015, cầu Mống đã được UBND TPHCM xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Các tin khác