Sân bay Cần Thơ liệu chết yểu?

(ĐTTCO) - Nhớ lại thời điểm 7 năm về trước, tôi đã rất tự hào nói với bạn bè trong và ngoài nước Cần Thơ đã có sân bay quốc tế. 

Đó là ngày 18-12-2010, sân bay Quốc tế Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động mang theo nhiều hy vọng lớn lao như phát triển thế mạnh du lịch; giao thương hàng hóa; tạo sự đi lại nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi cho khách hàng. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng cho vùng sông nước được xem là thủ phủ miền Tây Nam bộ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Vậy mà giờ đây tôi đã im lặng khi ai đó hỏi về hoạt động sân bay Cần Thơ.

Ông Trần Văn Tân, một doanh nhân thường xuyên đi lại bằng phương tiện hàng không cho biết đa số hành khách là cán bộ cơ quan nhà nước đi công tác, hay một số doanh nhân đơn lẻ, thậm chí cả người dân vẫn chuộng đến sân bay Tân Sơn Nhất, do tần suất bay liên tục đi kèm với nhiều dịch vụ tiện ích. Hơn 7 năm qua, sân bay này chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa như Cần Thơ - TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và ngược lại… Các chuyến bay quốc tế chỉ thực hiện trong dịp tết với một vài chuyến bay từ Đài Bắc, Cao Hùng vào trước và sau Tết nguyên đán do Vietnam Airlines thực hiện theo dạng cho thuê chuyến. Và cho đến nay vẫn chưa có hãng hàng không quốc tế nào mở đường bay quốc tế tại đây. Riêng chặng bay Cần Thơ - TPHCM gần như chết “yểu” vì hành khách mất nhiều thời gian làm thủ tục, sân bay lại xa trung tâm TP nên bất tiện và tốn kém khi dịch chuyển. Trong khi đó, cao tốc TPHCM - Trung Lương từ khi đưa vào hoạt động thời gian đi lại từ Cần Thơ đến TPHCM với 180km càng thêm rút ngắn. Và khi dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang khẩn trương thi công dự kiến hoàn thành năm 2019, sau đó là dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện dự kiến hoàn thành vào năm 2020, như vậy suốt tuyến TPHCM - Cần Thơ đã có cao tốc sẽ cô lập tiềm năng của sân bay Cần Thơ trong tương lai.

 
Để tháo gỡ thế cô lập, tháng 5-2017, TP Cần Thơ dự kiến phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không quốc tế mở thêm 3 đường bay mới Cần Thơ - Cam Ranh, Cần Thơ - Hải Phòng và Cần Thơ - Bangkok. Trong đó, phương án 1 sẽ hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay mới đến Cần Thơ bằng hình thức bù lỗ năm đầu tiên; phương án 2 hỗ trợ một phần số lượng ghế trên các chuyến bay xuất phát từ cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (hỗ trợ chi phí 20-30% số lượng ghế); phương án 3 hỗ trợ một phần số lượng ghế trên từng chuyến bay xuất phát từ Cần Thơ (với điều kiện số lượng ghế khai thác trong từng chuyến bay thấp hơn 70% số ghế hiện có của máy bay), mức hỗ trợ tối đa không quá 30% số ghế trên từng chuyến bay.
Với các phương án này, mức hỗ trợ cho đường bay nội địa không quá 5 tỷ đồng/năm/đường bay mới, còn đường bay quốc tế không quá 8,5 tỷ đồng/năm/đường bay mới. Các phương án đang trong giai đoạn thăm dò lấy ý kiến nhưng cũng đã có rất nhiều ý kiến chưa đồng thuận, thậm chí còn cho rằng sai luật. Nhiều hãng hàng không cho rằng đường bay đến Cần Thơ chưa thật sự hấp dẫn, lượng khách đi khá ít, mở đường bay mới rất tốn kém. 

Mới đây lại thêm một thông tin có tác động không nhỏ đến hoạt động của sân bay Cần Thơ, đó là việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ với cự ly 135km, hành khách chỉ mất khoảng 35-45 phút để di chuyển. Và chắc chắn sẽ có nhiều hành khách miền Tây lại chọn cho mình điểm xuất phát là sân bay Tân Sơn Nhất với nhiều tiện ích hơn so với sân bay Cần Thơ, đường bay TPHCM - Cần Thơ xem ra sẽ dễ dàng đóng cửa. Song một thông tin được xem là an ủi giải cứu sự đìu hiu của sân bay Cần Thơ là dự án xây dựng trường đua ngựa Cần Thơ đang trong giai đoạn tham khảo, thăm dò. Nếu được khả năng đón khách quốc tế sẽ được cải thiện. Nhưng đó chỉ là dự kiến, còn thực tế lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Đầu tư xây dựng cải tạo sân bay chuẩn quốc tế với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, nhưng rồi chỉ “lèo tèo” phục vụ các chuyến bay nội địa để rồi loay hoay tính đến bài toán bù lỗ từ ngân sách nhà nước mà vẫn chưa có gì làm cơ sở khoa học lạc quan cho “sáng kiến” này quả là điều đáng suy ngẫm.
(Cần Thơ)

Các tin khác