Rõ ràng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Những ý kiến trái chiều xoay quanh đoạn quảng cáo mì Gấu đỏ gần đây đang khiến người ta đặt lại câu hỏi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liệu đang có bị chính doanh nghiệp làm cho “nhập nhằng” với công việc kinh doanh kiếm lời?

Những ý kiến trái chiều xoay quanh đoạn quảng cáo mì Gấu đỏ gần đây đang khiến người ta đặt lại câu hỏi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liệu đang có bị chính doanh nghiệp làm cho “nhập nhằng” với công việc kinh doanh kiếm lời?

Thay vì giới thiệu về sản phẩm với những thông tin như dinh dưỡng, đặc điểm sản phẩm… thì clip quảng cáo mì Gấu đỏ (của Công ty Thực phẩm Á Châu) được phát sóng thời gian qua trên truyền hình lại là câu chuyện của một em bé bị ung thư nhưng gia đình không có tiền để tiếp tục điều trị cho em.

Và cuối đoạn quảng cáo, mì Gấu đỏ “tiết lộ” với mỗi gói mì được bán, công ty sẽ trích 10 đồng vào quỹ “Gắn kết yêu thương” để giúp các trẻ em nghèo có cơ hội chữa bệnh.

“Dự kiến số tiền tài trợ thu được là 12 tỷ đồng/năm (từ tháng 3-2012 đến tháng 2-2013) và có thể sẽ cao hơn nữa từ sự chung tay ủng hộ của nhiều người tiêu dùng hơn trên cả nước” - trích từ website www.gaudoganketyeuthuong.com.vn.

Thực ra, doanh nghiệp trích một phần nhỏ doanh thu từ việc bán sản phẩm để làm các hoạt động từ thiện, xã hội không còn là chuyện mới và cũng không phải là chuyện của riêng nhãn hàng mì Gấu đỏ. Mới đây, Công ty Vinamilk cũng phát động chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”.

Và để tạo nguồn quỹ thực hiện chương trình này, công ty sẽ trích 50 đồng khi khách hàng mua bất kỳ một sản phẩm nước giải khát nhãn hiệu Vfresh.

Trước đó, công ty này từng trích tiền trên mỗi sản phẩm sữa Vinamilk bán được cho Quỹ sữa vì trẻ em Việt Nam.

Khá nhiều nhãn hàng khác trong nhiều năm gần đây cũng đưa ra thông điệp khi khách hàng mua sản phẩm là đã chung tay gây dựng một quỹ từ thiện, một hoạt động xã hội nào đó chẳng hạn mua bột giặt giúp trẻ em nghèo có áo mặc…

Song câu chuyện không mới này đang được đem ra mổ xẻ khá mạnh mẽ trên các cộng đồng mạng, liệu các doanh nghiệp có đang lợi dụng những chương trình từ thiện, xã hội để kiếm lợi cho mình? Tại sao doanh nghiệp không trích tiền từ doanh thu bán sản phẩm hàng tháng, hàng năm để làm từ thiện mà phải thông qua tiền bán sản phẩm?

“Họ chỉ trích 1 số tiền rất nhỏ làm từ thiện hoặc công tác xã hội nào đó còn lại bỏ túi” - một người tiêu dùng tỏ ra bức xúc khi đăng tải ý kiến trên mạng. Tất nhiên, cũng có những ý kiến ủng hộ cách làm này của các doanh nghiệp.

Bởi một sự đóng góp dù nhỏ cũng hết sức có ý nghĩa. Và người ta bắt đầu bàn lại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu như hiện nay. Nhiều ý kiến đồng tình rằng không nên có cái nhìn khắt khe với doanh nghiệp.

Vì một trong những cách thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của xã hội. Chẳng hạn như hiện nay người nghèo có nhu cầu được ăn no, được chữa bệnh thì những chương trình từ thiện như quỹ sữa, mổ tim, mổ mắt… rất nên ủng hộ.

Song về dài hạn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nên được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở những việc làm từ thiện. Những chi phí sẽ được bù đắp bởi lợi ích mà trách nhiệm xã hội mang lại.

Vì nếu chỉ là chi tiền làm từ thiện trong thời điểm nhiều doanh nghiệp hạn hẹp về nguồn lực tài chính như hiện nay, trách nhiệm xã hội dễ bị xem như gánh nặng chi phí. Doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được nếu sống trong một xã hội không phát triển.

Các tin khác