Phí quyền mua ô tô - Đề xuất khập khiễng

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm mục tiêu hạn chế lượng ô tô, xe máy lưu hành, đồng thời giảm nhập siêu và kiềm chế tai nạn giao thông.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm mục tiêu hạn chế lượng ô tô, xe máy lưu hành, đồng thời giảm nhập siêu và kiềm chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, đề xuất của VAFI tại  văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công Thương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ công luận, bởi hàm chứa rất nhiều bất cập, mâu thuẫn.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, nếu những đề xuất này được áp dụng thành chính sách, thị trường ô tô, xe máy Việt Nam trở nên hết sức khắc nghiệt và bài toán phát triển giao thông đường bộ cũng chẳng đi đến đâu. Cụ thể, VAFI đề xuất đối với quyền mua ô tô dưới 10 chỗ ngồi (trừ taxi và xe du lịch phục vụ giao thông công cộng) áp dụng các mức phí được phân chia theo giá trị thị trường của xe, bắt đầu tính từ loại xe bình dân. Theo đó, mức phí khởi đầu sẽ bằng 100% giá trị thị trường của xe bình dân và được nâng lên mức lũy tiến, theo nguyên tắc phí thu sẽ vượt 3-10 lần giá trị thị trường của các dòng xe xa xỉ.

Như vậy, với cách tính phí này, muốn mua chiếc xe giá 6 tỷ đồng, người tiêu dùng phải nộp vào ngân sách nhà nước thêm 60 tỷ đồng (gấp 10 lần giá xe) để được quyền mua xe. Với mặt hàng xe gắn máy, thu phí ở mức thấp hoặc vừa phải đối với các loại xe bình dân để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Với các loại xe máy đắt tiền (giá trị gấp từ 3 lần trở lên so với xe bình dân), mức phí thu bằng 2-4 lần giá trị xe. Riêng các loại xe thuộc nhóm có giá bán thấp nhất phù hợp với người có thu nhập thấp sẽ không thu phí.

Theo VAFI, các biện pháp này có thể ngăn chặn được việc sử dụng xe đắt tiền, giúp hạn chế tình trạng nhập siêu và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, xét về góc độ nhập siêu, việc nhập khẩu và sử dụng xe đắt tiền ở nước ta thấp hơn nhiều so với các dòng xe khác. Giá trị nhập khẩu hàng năm của dòng xe này cũng chiếm con số nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu các loại ô tô, xe máy các loại.

Đó là chưa kể nhập siêu còn từ nhiều yếu tố khác như: nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ; nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được… Như vậy, để giảm nhập siêu cần có giải pháp toàn diện hơn đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu, chứ không riêng ô tô, xe máy, thay vì chỉ áp mức phí “trên trời” đối với quyền mua ô tô.

Trên thực tế, tại các thành phố lớn lượng xe hơi loại đắt tiền lưu hành không nhiều. Bởi lẽ hiện tại nó có giá bán quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người. Do vậy, VAFI cho rằng xe loại này góp phần tăng ùn tắc giao thông và tai nạn là thiếu chính xác. Mục đích việc thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông, lẽ ra phải thu phí cao hơn đối với các phương tiện chiếm nhiều diện tích mặt đường chứ không phải theo theo giá trị xe. Bởi lẽ xe đắt tiền không chiếm nhiều mặt đường và gây ùn tắc giao thông hơn xe rẻ tiền. Hơn nữa, xe đắt tiền có các chỉ số an toàn kỹ thuật và môi trường cao nhất.

Vấn đề mâu thuẫn và rất không ổn trong đề xuất của VAFI là không thu phí quyền mua đối với nhóm xe có giá bán thấp nhất. Tuy cho rằng đây là nhóm xe phù hợp với người có thu nhập thấp, nhưng khi phải chi ra số tiền gấp 2-4 lần để mua được một chiếc xe, đại bộ phận người tiều dùng chắc chắn sẽ nhắm vào nhóm xe mua không phải trả phí để tiết kiệm. Khi đó giao thông đường bộ cả nước sẽ tràn ngập các loại xe hơi, xe máy giá rẻ, chất lượng kém của Trung Quốc. Và như vậy, ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… và nhập siêu chỉ tăng chứ không giảm.    

Để đạt mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần giảm nhập siêu hiệu quả, việc thu phí sử dụng xe và xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ - những giải pháp được đặt ra từ lâu - cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển trong tương lai. Thay vì thu phí quyền mua xe (như đề xuất của VIFA), việc tăng các loại phí trước bạ, lưu hành đường bộ, bảo vệ môi trường... là cần thiết, để người dân sẽ phải sử dụng phương tiện công cộng. Đi đôi với tăng phí, cần phải giải được bài toán phát triển hệ thống đường bộ và phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị khi giá trị của từng m2 đất cao ngất như hiện nay.

Các tin khác