Phẩm chất của tài liệu

Trong sự phát triển sôi động của đời sống xuất bản, rất nhiều cuốn sách được ra đời từ các bài báo. Chỉ cần dạo qua thị trường sách, nhiều ấn phẩm được thực hiện bằng cách gom in những bài phỏng vấn, phóng sự, bút ký hoặc chân dung nhân vật từng được đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng thời gian trước đây. Thậm chí, nếu có loạt bài ăn khách, chỉ cần báo in tháng trước, tháng sau đã có cuốn sách trình bày bắt mắt được in kịp thời phục vụ độc giả.

Trong sự phát triển sôi động của đời sống xuất bản, rất nhiều cuốn sách được ra đời từ các bài báo. Chỉ cần dạo qua thị trường sách, nhiều ấn phẩm được thực hiện bằng cách gom in những bài phỏng vấn, phóng sự, bút ký hoặc chân dung nhân vật từng được đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng thời gian trước đây. Thậm chí, nếu có loạt bài ăn khách, chỉ cần báo in tháng trước, tháng sau đã có cuốn sách trình bày bắt mắt được in kịp thời phục vụ độc giả.

Hình thành thể loại sách từ báo, là điều rất đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, một vấn đề hoặc một sự kiện sẽ có thêm kênh tiếp xúc với bạn đọc. Mặt khác, việc tập hợp lại giúp bút pháp tác giả được tô đậm hơn, lấp lánh hơn. Một nhà báo mạnh dạn in những bài báo của mình thành cuốn sách sẽ dấn thân vào cuộc thử thách mới: không thành tài năng cũng thành tài liệu.

Chính giá trị của tài liệu tạo cơ sở để phân biệt sách và báo. Tính tài liệu của báo nhằm đáp ứng nhu cầu thời sự, còn tính tài liệu của sách chấp nhận đương đầu với thời gian. Khi tài liệu chỉ có ý nghĩa tạm thời cuốn sách sẽ trở nên hụt hẫng.

Nhờ sự đột phá công nghệ thông tin, nhà báo dễ dàng lưu trữ tác phẩm của mình trong máy tính và lúc cần thiết có thể tập hợp lại in sách. Thao tác lấy dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện đã khiến nhiều nhà báo quên dụng công đọc lại tác phẩm để có những chỉnh sửa thích hợp trước khi in sách.

Thực tế, viết báo và viết sách là hai nghiệp vụ hoàn toàn khác biệt không phải ai cũng thông thạo. Do vậy, để củng cố phẩm chất tài liệu cho cuốn sách đòi hỏi phải có sự tương trợ của biên tập viên các nhà xuất bản. Đáng tiếc, hình như chưa có cái bắt tay hợp tác vui vẻ giữa nhà báo in sách với nhà làm sách nên không ít trường hợp buồn cười xảy ra đối với người đọc sách.

Phẩm chất tài liệu của cuốn sách ít nhất phải được cập nhật đến ngày xuất bản. Đặc biệt, thông tin của cuốn sách phải được đặt vào một không gian bền vững.

Thí dụ, trên báo có thể in “Mùa màng thơ phú mấy năm qua” nhưng trong cuốn sách không thể. Bởi lẽ người đọc sẽ không thể hình dung “mấy năm qua” là năm nào. Vì vậy, để bảo đảm phẩm chất tài liệu cần yếu tố cụ thể như “Mùa màng thơ phú thập niên đầu thế kỷ 21” hoặc “Mùa màng thơ phú 5 năm cuối thế kỷ 20”.

Đọc các loại sách được chuyển thể từ báo, nhiều khi độc giả ngơ ngác không hiểu đâu là mơ, đâu là thực. Như một ấn phẩm của NXB Thời Đại in năm 2011 có bài phỏng vấn nhà văn Vũ Đình Giang: “Xin anh cho biết kế hoạch xuất bản trong năm mới?”. Nhân vật trả lời: “Tôi chuẩn bị viết cuốn tiểu thuyết Bờ Xám”. Trong khi cuốn tiểu thuyết “Bờ xám” được nhà văn in từ năm 2010, còn “năm mới” đến bao giờ?

Hay một ấn phẩm của NXB Hội Nhà văn có bài viết về Đồng Đức Bốn trong đó có câu “Phải đến hôm qua, khi đang là khách của gia đình Bốn, tôi mới hiểu nguyên nhân sâu xa của tính cách đùa cợt ngạo đời của bốn câu thơ ấy”. Ơ hay, “hôm qua” là ngày nào của năm 2010 ra mắt cuốn sách. Rõ ràng, đây chỉ thích hợp với báo ngày, muốn in báo tuần hay báo tháng cũng phải biên tập lại chứ đừng nói in sách.

Bàn về phẩm chất của tài liệu trong các cuốn sách được in thành báo, không nhằm vạch lá tìm sâu. Thế nhưng, nếu không lưu ý đến yếu tố thời gian, những ấn phẩm kiểu này không chỉ gây thiệt thòi cho bạn đọc, mà còn ảnh hưởng uy tín tác giả cũng như uy tín nhà xuất bản.

Các tin khác