Phá băng gói tín dụng công nghệ cao

(ĐTTCO) - Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) được đánh giá là quyết sách mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ.
Phá băng gói tín dụng công nghệ cao
Quyết tâm chuyển đổi từ một nền nông nghiệp sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp áp dụng CNC nhằm tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Và việc Chính phủ cam kết cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5- 1,5% so với các chương trình cho vay khác, đã thổi bùng hy vọng cho DN làm nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày có chủ trương, gói vay này vẫn “cửa đóng, then cài”.
Thực tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố gói tín dụng này, 8 ngân hàng thương mại đã tham gia với số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn được các ngân hàng cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
Mặc dù nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng đến nay mới có 29 DN đáp ứng các tiêu chí được cấp giấy chứng nhận, quá ít theo Chương trình quốc gia phát triển đến năm 2020 cả nước có ít nhất 200 DN ứng dụng nông nghiệp CNC. Trong số 29 DN được cấp giấy chứng nhận vào lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp CNC, các ngân hàng đã cho vay 19 DN với số tiền khoảng 3.700 tỷ đồng, 10 DN không thấy có đề xuất vay vốn ngân hàng. Ngoài CTCP Thực phẩm sữa TH vay hơn 790 tỷ đồng, đa số DN chỉ được vay vài chục tỷ đồng. 
Nguyên nhân chính khiến DN chưa mặn mà đầu tư nông nghiệp CNC do điều kiện để được vay ưu đãi còn rườm ra, phức tạp. Giám đốc 1 HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp ở Kim Bôi, Hòa Bình, cho biết đã lập hồ sơ và đến ngân hàng xin được vay vốn. Nhưng khi đến nơi ông mới biết hiện nay các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.
Yêu cầu của ngân hàng là phải có sổ đỏ thế chấp, trong khi HTX vừa mới dồn được sổ đỏ để thuê đất 50 năm, tài sản trên đất có nhưng không có hiệu lực vay. Tương tự, giám đốc 1 HTX trồng rau an toàn ở tỉnh Vĩnh Phúc cho biết khi tiếp xúc với ngân hàng họ yêu cầu phải có thế chấp, trong khi trụ sở của HTX là đi thuê, đất sản xuất của người dân, của các thành viên, chủ yếu là vay tín chấp. 
Theo chúng tôi, để DN tiếp cận được gói vay này, cần sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp để DN có cơ sở vay vốn. Bên cạnh giảm hơn nữa suất cho vay, cần tăng cường giao đất cho DN làm ăn chân chính và có hiệu quả, đồng thời khuyến khích DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp CNC.
Ngoài ra cũng cần xem xét lại quy định DN phải có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực, phải chứng minh được hoạt động trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC, phải nằm trong vùng quy hoạch… mới được vay gói 100.000 tỷ đồng này.
(TPHCM)

Các tin khác