Nỗi lo chống ngập

(ĐTTCO) - Dù lượng mưa không lớn, nhưng do triều cường đạt đỉnh đã khiến hàng chục tuyến đường rơi vào thảm cảnh “phố bỗng thành dòng sông”. Vì vậy, người dân TPHCM những ngày qua phải chật vật đối phó nước ngập để đi học, đi làm. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo, tình trạng ngập nước tại đô thị lớn nhất phương Nam có khả năng kéo dài 20 năm nữa.

Vài năm qua, có lẽ người dân Sài Gòn đã quen với cảnh nước ngập mỗi đợt mưa lớn hoặc triều cường, thế nhưng tình trạng này ngày càng diễn tiến phức tạp hơn, trong khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng vẫn đang ì ạch. Trên báo chí, báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, trong 2 năm 2016-2017 TP đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Gò Dầu, Lê Thành Phương, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tân Hương, Gò Dưa. Đồng thời, năm 2018 TP đã triển khai các dự án giải quyết 7 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2, Lương Định Của, Tôn Thất Hiệp, Hồ Văn Tư, Trương Vĩnh Ký, An Dương Vương (từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom). Vậy nhưng, liên tục nhiều ngày qua hầu hết tuyến đường nói trên đều ngập nước. 
 Chống ngập phải đảm bảo nguyên tắc muốn tiêu thoát phải trữ nước. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch là lợi thế có sẵn để TPHCM tận dụng trở thành những hồ điều tiết tự nhiên khổng lồ, dung tích lớn để trữ nước, tạo bậc thang hồ chứa để trữ và điều tiết thoát nước. Cần xây dựng một trục thoát nước ngầm đường kính khoảng 3m dọc các tuyến đường, đi qua tất cả các điểm ngập như hầu hết các TP lớn trên thế giới đều có. 
Kỹ sư Lê Thành Công,
Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C
Nếu hỏi sống ở Sài Gòn bây giờ điều gì đáng lo sợ nhất? Câu hỏi chắc chắn là tình trạng ngập nước. Hãy tưởng tượng, buổi sáng bạn rời khỏi nhà đến nơi làm việc, nhưng buổi chiều trở về lại không còn nhận ra con đường quen thuộc nữa, bởi bốn bề đã trắng xóa nước. Trước đây, có thể tấp xe vào lề và đợi khoảng 45-60 phút nước sẽ rút để tiếp tục hành trình. Còn hiện tại nước ngập kéo dài nhiều giờ, người dân phải bì bõm lội qua. Xe chết máy thì dắt bộ, người ướt nhẹp thì co ro. Tuy nhiên, tai ách không dừng lại ở đó, nước ngập dẫn đến ùn tắc giao thông. Những dòng ô tô dừng lại trước nguy cơ bị thủy kích hoặc quay đầu tìm hướng khác, khiến các loại xe hai bánh càng khó xoay sở hơn. Tiếng bấm còi inh ỏi, tiếng kêu réo giúp đỡ, không khác gì một trận chiến. Và hình ảnh đáng ngại nhất là phụ nữ và trẻ em trên những chiếc xe máy, có phụ nữ bị ngã giữa dòng nước ngập phải lồm cồm bò dậy trong tiếng khóc kinh hãi của trẻ nhỏ, có người phụ nữ chấp nhận dắt xe lầm lũi trong nước ngập khi đứa con ngủ gật trên vai mình. 
Người Sài Gòn đang mong chờ vào hiệu quả của dự án chống ngập có kinh phí 10.000 tỷ đồng. Vậy mà, dự án này liên tục gặp vướng mắc về thủ tục tái cấp vốn, cũng như khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Mới đây, UBND TPHCM đã có công văn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, đề nghị sớm chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc, triển khai dự án đúng tiến độ. Chính quyền TPHCM chỉ đạo các quận huyện khẩn trương thực hiện hoàn tất công tác bồi thường giải phóng, bàn giao mặt bằng để đảm bảo thi công, tiến độ dự án bởi dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp. 
Dự án 10.000 tỷ đồng có tiến độ từ 2016-2020, nhưng đến nay đã đi qua hơn nửa chặng đường kết quả vẫn rất khiêm tốn: đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư xây dựng 3 hồ điều tiết và xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao. Do hệ thống kênh rạch phần lớn đã bị san lấp một cách tùy tiện để phục vụ các công trình nhà ở, nên mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường gần như hệ thống thoát nước tê liệt hoàn toàn. Nguyên nhân một phần do ý thức người dân chưa cao, vất rác bừa bãi gây nghẹt cống rãnh, nhưng quan trọng hơn là sự biến đổi khí hậu nằm ngoài tiên liệu của những nhà quy hoạch đô thị. 
Vì vậy, công việc trước mắt để chống ngập cho TP phải cân nhắc xây dựng 2 cống bên sông Vàm Thuật và rạch Nước Lên; xây dựng 12km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn; đầu tư 4 dự án cải tạo trục tiêu thoát nước chính Bà Tiếng, Bà Lớn, Xóm Củi, Lung Mân. 
Việc ngập nước có rất nhiều nguyên nhân, do triều cường dâng cao, lượng mưa lớn, hệ thống kênh rạch chưa được nạo vét, rác thải, xây dựng lấn chiếm, hệ thống thoát nước còn hạn chế, công tác quản lý phối hợp chưa đồng bộ… Vì vậy, giải pháp thực hiện phải đồng bộ xử lý tất cả các nguyên nhân này.
Phải thừa nhận, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là một công trình thế kỷ, vì tác động trực tiếp đến sự đổi thay hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho gần 7 triệu người dân của khu vực 570km2 thuộc bờ hữu sông Sài Gòn (quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè). Trong đó, không thể không nhắc đến kế hoạch xây dựng 6 cống kiểm soát triều siêu lớn (Bến Nghé - Tân Thuận - Phú Xuân - Mương Chuối - Cây Khô - Phú Định) và 7km đê kè cùng các cống nhỏ bảo vệ những khu vực xung yếu. Nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng đã được tổ chức xung quanh câu chuyện chống ngập cho người Sài Gòn, nhưng những con số trên sổ sách và những diễn biến cuộc sống vẫn còn khác biệt nhau. GS.TS Nguyễn Văn Đạt cho rằng TPHCM cần xây dựng một mạng lưới các hố ga chứa nước mưa. Từ đây, nước mưa sẽ chảy vào hệ thống ống đặt ven đường, ra sông, rạch, nơi có hồ chứa khu vực để tạo mảng xanh đô thị. Hướng đến của mạng ống này còn có thể là các trụ nước phòng cháy chữa cháy ở các khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, siêu thị, khu dân cư… Song song đó, cần có một nhánh hút nước từ triều cường có đường kính lớn hơn hút từ những hố ga. Một phần hòa nhập vào mạng nước mưa, một phần hướng vào hồ chứa ở ngoại ô. Muốn chống ngập lâu dài ở TPHCM, phải xem nước mưa là nguồn tài nguyên nhiều lợi ích cần khai thác.
Người Sài Gòn đang phấp phổng sống chung với nước ngập. Ai cũng nhận ra và ai cũng lo lắng, nhưng chưa ai biết làm gì mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường. TS. Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TPHCM, cảnh báo: “Theo lộ trình, TPHCM chỉ mới đi được 30- 40% công cuộc chống ngập. Với khối lượng còn lại, nếu sắp xếp theo đúng kế hoạch thì ít nhất 20 năm nữa mới đủ lực giải quyết dứt điểm ngập. Còn nếu cứ giữ cơ chế như hiện nay, tình trạng bịt ngập chỗ này sẽ rò qua chỗ khác, phát triển đến đâu là ngập đến đấy”.

Các tin khác