Nội dung do bạn chọn lựa

Với sự phát triển của Facebook, không ít người đã hình thành thói quen đọc báo từ mạng xã hội. Nghĩa là đầu ngày, đầu giờ chiều hoặc cuối ngày, thay vì cầm tờ báo giấy, hoặc truy cập báo mạng, nhiều người sẽ “lướt face” để tiếp cận vô vàn các loại tin tức.

Với sự phát triển của Facebook, không ít người đã hình thành thói quen đọc báo từ mạng xã hội. Nghĩa là đầu ngày, đầu giờ chiều hoặc cuối ngày, thay vì cầm tờ báo giấy, hoặc truy cập báo mạng, nhiều người sẽ “lướt face” để tiếp cận vô vàn các loại tin tức.

Xu thế này đã tác động trực tiếp đến các cơ quan báo chí, khi giờ đây các đơn vị lớn đều có tài khoản Facebook riêng để tương tác với độc giả. Những thông tin, hình ảnh, clip… “hot” nhất sẽ được trang (page) đăng tải và trong quá trình lướt bảng tin (news feed) của Facebook, bạn đọc sẽ tiếp cận được dễ dàng.

Đây là cách tiếp cận mang tính trực quan, thậm chí thực dụng, đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Bạn đọc thuận tiện hơn trong tiếp cận tin tức, báo chí nắm bắt được nhu cầu bạn đọc, đem đến những thông tin độc giả thích hoặc cần, qua đó gia tăng tính tương tác giữa báo chí và bạn đọc.

Nhưng thực tế không lý tưởng như vậy, khi hoạt động chia sẻ thông tin không chỉ dừng ở các cơ quan báo chí mà mở rộng cho bất cứ ai dùng mạng xã hội. Anh A đọc một bài báo hay có thể chia sẻ (share) đường dẫn (link) lên trang cá nhân của mình và chị B vào đọc, cô C bình luận (comment). Nghĩa là mỗi người dùng Facebook có thể trở thành một người điểm báo.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 20 triệu người dùng Facebook hàng ngày, và lưu lượng thông tin cập nhật trên mạng xã hội cực lớn, từ chính thống, nghiêm túc đến tạp nham, rẻ tiền… Thử làm một phép tính, giả thiết cứ 100 người bạn (friends), có 20 người hàng ngày chia sẻ tin tức. Như vậy một người dùng Facebook có 500 người bạn, mỗi ngày có 100 loại tin tức để lựa chọn. Người nào càng quảng giao, nhiều bạn trên Facebook, cơ hội được điểm báo miễn phí càng lớn.

Tuy nhiên, nhiều tin quá đôi khi cũng không biết đọc sao cho hết, nhưng đây là cơn đau đầu dễ chịu, nhưng còn có nhiều sự khó chịu bất ngờ khác. Mới đây trong một buổi ăn trưa, một anh bạn “than”, giờ lên Facebook nhiều khi thấy như đống rác, các thông tin lá cải xuất hiện nhan nhản, đánh ghen, giật chồng, lộ hàng, tuyên bố gây sốc…

Đợi cho anh bạn nói xong kèm tiếng thở dài, một người bạn khác làm trong ngành IT lý giải ngắn gọn: Than thở cái gì, nội dung do mình quyết định, mình có bạn này, trang nọ thì mới có những thông tin đó. Nghe xong tất cả đều thấm thía, không nói gì. Đơn cử, một website nội dung “giật gân”, có sự hợp tác với “người nổi tiếng trên Facebook”.

Cứ khi nào website này có nội dung, “người nổi tiếng” lại dẫn link, chia sẻ. Và khi bấm thích (like) hay theo dõi (follow), chính bản thân mỗi người đã vô tình tạo ra núi thông tin trong đó có không ít sạn và rác. Lý giải này khiến tôi phải xem lại một lượt bảng tin và dọn dẹp lại các trang theo dõi hoặc một số người bạn “chưa bao giờ gặp”. So với việc like hay follow thì việc unlike hay unfollow mất thời gian hơn.

Gần đây, dư luận có phản ánh nhiều về xu hướng giật gân, câu khách, thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật bất chấp nội dung của một số tờ báo, trang mạng. Những hành động xử phạt mạnh tay được đưa ra để răn đe và chấn chỉnh hoạt động thông tin. Nhưng thiết nghĩ, chính người đọc cũng nên có trách nhiệm với mình trong việc lựa chọn nội dung. Còn nếu như đã like, đã theo dõi nội dung câu khách, giật gân cũng đừng than mình có nhiều rác, sạn. Đó là sự lựa chọn, là nội dung của bạn.

Các tin khác