Nhức nhối chi tiền lẻ trạm thu phí

(ĐTTCO) - Tính từ đầu năm đến nay, người dân sử dụng tiền lẻ để phản đối các trạm thu phí BOT xảy ra tại nhiều địa phương. Khởi điểm của tình trạng này bắt đầu từ trạm thu phí Bến Thủy 1 (Nghệ An - Hà Tĩnh). 
Người dân 2 đầu cầu Bến Thủy 1 cho rằng mình nộp phí BOT "oan" suốt thời gian dài, phải chịu phí đi qua cầu, trong khi không sử dụng tuyến đường tránh TP Vinh. Để phản ứng, hàng trăm tài xế ô tô căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé trong nhiều tháng, tính từ cuối năm 2016. Đỉnh điểm diễn ra trong tháng 4-2017, khiến Bộ Giao thông-Vận tải phải vào cuộc và thống nhất chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại 2 trạm thu phí cho người dân sống gần cầu. 
Sau đó, hàng loạt trạm phu phí BOT trên khắp cả nước lần lượt “thất thủ”, tài xế dùng tiền lẻ mua vé gây tắc nghẽn kéo dài khiến các đơn vị quản lý trạm thu phí buộc phải xả trạm để đảm bảo giao thông qua khu vực. Có thể kể đến hàng loạt vụ việc tại những trạm thu phí Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trạm thu phí Tam Nông (Phú Thọ), trạm thu phí Thanh Nê (Thái Bình), trạm thu phí cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới - Phú Thọ), trạm thu phí Lương Sơn (Hòa Bình), trạm thu phí BOT Cai Lậy (Quốc lộ 1A, tỉnh Tiền Giang), trạm BOT số 1 Quốc lộ 5 (Hưng Yên).
Điểm chung là các lái xe không đồng tình với mức phí và địa điểm đặt trạm vì cho rằng không sử dụng đường BOT không trả phí. Cũng có trường hợp khá “đặc biệt”, khi chủ đầu tư vì cần hoàn vốn cho dự án cầu Hạc Trì (Việt Trì, Phú Thọ) đã tìm mọi cách cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì cũ với lý do cầu xuống cấp.
Đặc biệt, vừa qua hàng loạt cơ quan thông tấn đưa tin cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên tìm hiểu để khởi tố hình sự hành vi gây rối trật tự công cộng đối với các lái xe mua vé bằng tiền lẻ tại trạm BOT số 1 Quốc lộ 5 (Hưng Yên). Điều này dấy lên phản ứng của dư luận cho rằng trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT là không vi phạm pháp luật, bởi người dân có quyền tiêu bất kỳ loại tiền nào được Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành.
Do vậy, lái xe trả tiền lẻ hay tiền chẵn qua trạm thu phí BOT không vi phạm pháp luật. Ngược lại, nếu trạm thu phí BOT từ chối nhận tiền có mệnh giá nhỏ nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn lưu hành là vi phạm Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và nếu công an điều tra, khởi tố dễ khiến người dân hiểu lầm công an đang đứng ra bảo vệ cho một nhóm lợi ích của chủ đầu tư BOT. 
Nhức nhối chi tiền lẻ trạm thu phí ảnh 1  
Như vậy, việc trả tiền thu phí bằng tiền lẻ thực chất là sự phản ứng của người dân, của doanh nghiệp với chính sách bất hợp lý. Với nhiều điểm nóng tranh chấp về thu phí BOT, nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp đồng bộ để xử lý sẽ không chỉ dừng lại ở một vài trạm mà sẽ lan rộng ra thành một trào lưu. Khi đó, có khi những trạm thu phí đúng cũng sẽ “bị oan”, hoặc dễ bị nhóm đối tượng lợi dụng kích động gây bất ổn địa bàn.
Các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) mục đích thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Nhưng ở nước ta mô hình này đang bị biến tướng: người dân góp tiền xây đường bằng các trạm thu phí thu hồi vốn, chủ đầu tư đứng ra “vẽ dự án” và thực chất “tay không bắt giặc”.
Theo tôi, hiện quy trình cấp phép, giám sát của ngành giao thông quá lỏng lẻo, tạo điều kiện doanh nghiệp lợi dụng kiếm lợi ở mức cao nhất. Họ ăn gian, kiếm lời lớn từ các dự án BOT bằng cách khai tổng mức đầu tư thật cao, kéo dài thời gian thu phí. Ở các nước khác, với một chính sách lớn như vậy quy định, luật pháp luôn chặt chẽ để hạn chế doanh nghiệp lợi dụng.
Do đó, Nhà nước cần phải có đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện, minh bạch, phát hiện, xử lý những bất cập về chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước, chủ đầu tư, từ đó mới tạo niềm tin xóa bỏ được cuộc chiến tiền lẻ tại trạm thu phí BOT.

Các tin khác