Nguy hiểm đèn giao thông ngay chân cầu

(ĐTTCO) - “Ngày 2 buổi, sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, chiều từ 16 giờ đến hơn 19 giờ, tôi chứng kiến hàng chục lần xe lớn xe nhỏ dừng ngay trên cầu, không phải nói xui nhưng tưởng tượng xem, chịu đựng một thời gian dài như vậy, sức gì cũng chịu thua nói chi mấy cây cầu phơi nắng phơi mưa từ năm này qua tháng nọ”. Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Minh Thanh có nhà gần cầu Trần Khánh Dư, cây cầu nối đường Hoàng Sa quận Phú Nhuận với đường Trường Sa quận 1, TPHCM. Mặc dù cây cầu sắt này có kích thước khá hạn chế với chiều dài khoảng 80m và chiều rộng mỗi chiều khoảng 3m, nhưng hầu như không có lúc nào không tấp nập phương tiện chạy qua, nhất là xe máy.

(ĐTTCO) - “Ngày 2 buổi, sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, chiều từ 16 giờ đến hơn 19 giờ, tôi chứng kiến hàng chục lần xe lớn xe nhỏ dừng ngay trên cầu, không phải nói xui nhưng tưởng tượng xem, chịu đựng một thời gian dài như vậy, sức gì cũng chịu thua nói chi mấy cây cầu phơi nắng phơi mưa từ năm này qua tháng nọ”. Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Minh Thanh có nhà gần cầu Trần Khánh Dư, cây cầu nối đường Hoàng Sa quận Phú Nhuận với đường Trường Sa quận 1, TPHCM. Mặc dù cây cầu sắt này có kích thước khá hạn chế với chiều dài khoảng 80m và chiều rộng mỗi chiều khoảng 3m, nhưng hầu như không có lúc nào không tấp nập phương tiện chạy qua, nhất là xe máy.

Điều đáng nói là những cây cột đèn xanh đèn đỏ lại được dựng ngay chân cầu khiến mỗi lần tới lượt đèn đỏ là gây ùn ứ xe nghiêm trọng. Hàng chục, hàng trăm chiếc xe máy đủ loại to nhỏ, xe số hay tay ga đều dừng ở trên cầu. Đứng chờ đèn xanh trên mặt cầu Trần Khánh Dư, tôi thật sự lo ngại và không yên tâm khi cây cầu này đã xuống cấp, chỉ được che chắn bằng các thanh vịn bằng sắt vốn đã cũ, mặt cầu nhỏ hẹp.

 Lỡ một lúc nào đó cầu không chịu nổi tải trọng quá lớn do quá nhiều xe tập trung dừng chờ đèn tín hiệu giao thông, quả thật hậu quả hết sức nghiêm trọng. Bởi lẽ, một cây cầu nhỏ dù có chắc đến đâu cũng khó chịu được trọng lượng của hàng trăm chiếc xe gắn máy, chưa kể có cả ô tô, huống hồ cây cầu này được dựng cũng khá lâu, chắc chắn rằng độ bền khó được như trước. Chỉ tính riêng khu vực chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã có hơn chục cây cầu được bắc ngang và được cắm cột đèn giao thông tương tự. Có thể kể đến là cầu Hoàng Hoa Thám cách cây cầu Trần Khánh Dư không xa, hay các cây cầu số 1, số 2, số 3… dọc theo hướng từ quận 1 lên hướng quận Tân Bình...

Với những cây cầu dốc cao như Hoàng Hoa Thám rất dễ xảy ra các trường hợp té xe hoặc va chạm nhau, vì một số người không thắng kịp khi thấy đèn đỏ. Điều này cũng dễ dẫn đến xe sau đâm vào xe phía trước, một phần do không kiểm soát kịp, phần nữa do cầu quá dốc. Người dân sống 2 bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết đã không ít lần chứng kiến những vụ té xe dở khóc dở cười này, mặc dù không gây thương tích nhiều nhưng cũng khiến người đi đường một phen hoảng hồn. Chú Trần Văn Lam, có nhà gần cầu Lê Văn Sỹ, quận 3 chia sẻ: “Những cây cầu nhỏ đã đành, mấy cây cầu lớn như Lê Văn Sỹ cũng có cột đèn giao thông cắm ngay chân cầu, trong khi đó luật giao thông lại có điều cấm không cho xe cộ dừng, đỗ trên cầu. Luật ra một đường nhưng phía thực hiện lại một nẻo, người dân biết theo cái nào”.

Thiết nghĩ nếu các cơ quan quản lý tính toán phân luồng, cải tạo lối đi lên cầu... để có thể điều tiết một lượng xe, đặc biệt là xe ô tô đi theo hướng cầu Hoàng Hoa Thám có tải trọng lớn hơn, có lẽ tình trạng kẹt xe trên cầu Trần Khánh Dư sẽ được cải thiện rất nhiều. Mặt khác, các lực lượng như dân phòng, cảnh sát giao thông cũng nên có mặt ở khu vực này để hướng dẫn và xử phạt những người cố tình đi ngược chiều.

(TPHCM)

Các tin khác