Chống hàng giả, hàng nhái

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng

Trên thế giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái chiếm đến 10% hoạt động thương mại quốc tế, tương đương 450-600 tỷ USD, thậm chí vài số liệu dự đoán con số này có thể lên đến 1.000 tỷ USD. Ở châu Âu, 70% hàng giả, nhái bị giữ lại ở cửa khẩu, 30% lọt qua tương đương vài triệu sản phẩm. Hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở đâu cũng có và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây tổn thất cho nền kinh tế, đang là vấn nạn của tất cả quốc gia trên thế giới.

Trên thế giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái chiếm đến 10% hoạt động thương mại quốc tế, tương đương 450-600 tỷ USD, thậm chí vài số liệu dự đoán con số này có thể lên đến 1.000 tỷ USD. Ở châu Âu, 70% hàng giả, nhái bị giữ lại ở cửa khẩu, 30% lọt qua tương đương vài triệu sản phẩm. Hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở đâu cũng có và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây tổn thất cho nền kinh tế, đang là vấn nạn của tất cả quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam, sau hơn 4 năm gia nhập WTO, hệ thống pháp luật về SHTT nước ta được hoàn thiện theo hướng tiệm cận các nguyên tắc và quy định của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng vi phạm quyền SHTT vẫn đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Hàng giả và xâm phạm quyền SHTT có ở hầu hết sản phẩm hàng hóa dưới dạng sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế…

Địa bàn tiêu thụ cũng hết sức rộng lớn: từ các thành phố lớn đến vùng xa xôi hẻo lánh; trong các chợ bán buôn, bán lẻ nội địa, chợ vùng biên giới cửa khẩu và cả siêu thị. Nguồn hàng giả, hàng nhái, xâm nhập cũng đa dạng: từ vùng sản xuất ở ven đô, trong ngõ hẻm, hàng sản xuất từ nước ngoài nhập lậu về.

Tình trạng hàng giả, nhái khá phổ biến có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường nước ta hiện nay khá đông, hơn 5.000 người, ngoài ra còn có thanh tra chuyên ngành, công an, hải quan… nhưng trong mỗi lĩnh vực thực hiện một kiểu. Thí dụ, trong số hàng giả, hàng nhái bị phát hiện có những mặt hàng phải tiêu hủy, có loại cơ quan hải quan phải bàn giao cho bên tài chính tiến hành thanh lý, đấu giá. Và những hàng giả, hàng nhái này khi bán đều có giấy tờ, hóa đơn đầy đủ. Điều này vô hình trung đã hợp pháp hóa hàng vi phạm quyền SHTT.

Bên cạnh sự bất cập trong hoạt động chống hàng hóa vi phạm quyền SHTT của các cơ quan quản lý, phải kể đến sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về sự hài lòng của người tiêu dùng cả nước, đã cho thấy có tới 70% người tiêu dùng chấp nhận việc dùng hàng nhái, hàng giả.

Đây được coi là nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện thúc đẩy tỷ lệ hàng giả, hàng nhái ở nước ta tăng cao. Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn một bộ phận người dân nhằm làm thay đổi hành vi này, để họ nhận thấy và hiểu rằng sở thích sử dụng hàng giả, hàng nhái của mình đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng hàng hóa vi phạm quyền SHTT, điều đầu tiên và cần thiết là phải tạo cho doanh nghiệp tư duy vươn lên, tránh kiểu làm ăn chụp giật. Theo đó, các doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện quy chế ghi nhãn và chủ động đăng ký bảo vệ SHTT tại biên giới, cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan này trong việc phát hiện các hàng giả, nhái xuất nhập khẩu qua biên giới.

Đối với các lực lượng thực thi, cần tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ trong công tác quản lý, phối hợp đồng bộ, nhất quán trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Và khi cộng đồng cùng thống nhất một mục tiêu, cách làm, tình trạng hàng hóa vi phạm quyền SHTT sẽ giảm, tiến tới bị xóa bỏ, trả lại sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các tin khác