Mạnh tay hơn với thi công ẩu

Ngày 6-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố vụ án đối với 2 cán bộ CTCP Licogi 9.2 là Vũ Văn Trường (đội trưởng đội thi công) và Thái Đình Vũ (cán bộ Ban điều hành dự án). Nguyên nhân được xác định do thiếu trách nhiệm trong thi công gói thầu trên Quốc lộ 51 dẫn đến tai nạn cho người đi đường. Quyết định trên của cơ quan chức năng huyện Long Thành đã nhận được sự đồng thuận của dư luận, đặc biệt của gia đình các nạn nhân.

Ngày 6-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố vụ án đối với 2 cán bộ CTCP Licogi 9.2 là Vũ Văn Trường (đội trưởng đội thi công) và Thái Đình Vũ (cán bộ Ban điều hành dự án). Nguyên nhân được xác định do thiếu trách nhiệm trong thi công gói thầu trên Quốc lộ 51 dẫn đến tai nạn cho người đi đường. Quyết định trên của cơ quan chức năng huyện Long Thành đã nhận được sự đồng thuận của dư luận, đặc biệt của gia đình các nạn nhân.

Do chủ trương xã hội hóa lĩnh vực hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án. Tuy nhiên, năng lực nhiều đơn vị có hạn nên thường xảy ra sai phạm. Dự án mở rộng Quốc lộ 51 được thực hiện bởi CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (BVEC) do các cổ đông lớn, uy tín như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (49% vốn điều lệ), Tổng công ty Sông Đà (30%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam  (10%) thành lập. Nhưng thực tế năng lực quản lý của BVEC quá yếu khiến tiến độ triển khai chậm trễ và chất lượng thi công rất bê bối. Nguyên nhân yếu kém trong chất lượng thi công cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông tại Quốc lộ 51 phải chăng do có quá nhiều đơn vị tham gia dự án?

Trên toàn tuyến Quốc lộ 51, BVEC chia thành 14 gói thầu, tương ứng với 14 đơn vị thi công. Các đơn vị này sau khi ký hợp đồng, tiếp tục giao cho các nhà thầu “con, cháu” thực hiện. Điển hình như trường hợp CTCP Cơ giới và Xây lắp số 9 (Licogi 9), sau khi ký hợp đồng với BVEC chỉ thi công một thời gian ngắn rồi chuyển giao lại cho công ty “con” là Licogi 9.2 (tháng 3-2010). Chính sự dễ dãi trong việc thay đổi đơn vị thực hiện các gói thầu thành phần khiến công tác thi công đình trệ, mặt đường xuống cấp, hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân dọc Quốc lộ 51 bị tê liệt. Quốc lộ 51 có chiều dài 73,6km, bắt đầu từ ngã ba Quốc lộ 1 - Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) đến Eïo Ông Từ (TP Vũng Tàu). Đoạn đường này thời gian gần đây bị quá tải và ngày càng xuống cấp do lượng xe container, xe du lịch vào ra các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Phú Mỹ, cảng Cái Mép-Thị Vải và TP Vũng Tàu.

Thi công từ năm 2009 đến nay, BVEC đã biến Quốc lộ 51 thành “đại công trường” nhếch nhác với nhiều cái bẫy chết người. Mùa khô bụi mù trời. Mùa mưa nước ngập lênh láng, hệ thống thoát nước 2 bên đường bị đào trở thành con kênh nhân tạo rất nguy hiểm. Càng nghiêm trọng hơn khi các đơn vị thi công không có biện pháp cảnh báo, điều tiết phân luồng giao thông, để đất đá, vật liệu xây dựng tràn ra đường. Vì vậy nơi đây thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông kéo dài. Riêng làn đường dành cho xe gắn máy thường bị các phương tiện ô tô tải, container lấn tuyến gây tai nạn giao thông.

Việc Licogi 9.2 thi công ẩu, thiếu biện pháp cảnh báo gây cái chết thương tâm cho cháu Phạm Hoài Diễm - con chị Nguyễn Thị Dung (TP Vũng Tàu), khiến công an vào cuộc - không phải là chuyện hiếm trên tuyến quốc lộ này. Theo các cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông trong thời điểm triển khai mở rộng Quốc lộ 51 tăng 240% so với trước đó, trung bình mỗi tháng có tới 3 người chết vì tai nạn giao thông. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản phản ánh việc thi công không có biện pháp hữu hiệu cảnh báo người đi đường để xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc nhưng chủ đầu tư phớt lờ, bỏ qua. Vì vậy, việc Cơ quan điều tra Công an huyện Long Thành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 2 cán bộ của Licogi 9.2 thể hiện sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý, ngăn chặn tình trạng thi công cẩu thả khiến nhiều người đồng tình, tin tưởng. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm để không còn những cái chết oan uổng như cháu Diễm và bao người vô tội khác sau này. Và không riêng đơn vị thi công cẩu thả mà cả chủ đầu tư (như BVEC) cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể vô tâm cho rằng tai nạn là hy hữu.

Các tin khác