Luẩn quẩn thu hút nhân tài sư phạm

(ĐTTCO) - Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã từng là một giải pháp tối ưu vào 20 năm trước để thu hút sinh viên vào học, cũng như giải quyết bài toán thiếu giáo viên.
Luẩn quẩn thu hút nhân tài sư phạm
 Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nhiều người cho rằng chính sách này cần phải được xem xét lại.Bạn Trần Kim Yến, sinh viên khoa Ngữ Văn (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) cho rằng nên bỏ chính sách này, vì hiện nay tất cả sinh viên đều đi học và có cơ hội việc làm như nhau.
Miễn học phí cho một ngành học tạo bất công so với những ngành học khác. Hơn nữa, khi được đối xử công bằng tính cạnh tranh sẽ cao hơn, từ đó các bạn sẽ có ý thức hơn trong học tập. Bạn Trần Ân Vũ (sinh viên Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) cũng đồng tình với đề nghị Dự thảo đặt ra: Nên bỏ chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, vì ngành sư phạm hiện giờ đã tăng lương giáo viên, chế độ ưu đãi tốt. Thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm nên thu học phí bình thường và tăng học bổng cho các bạn sinh viên học tốt, có hoàn cảnh khó khăn sẽ thiết thực hơn. Bên cạnh đó, việc đóng học phí khiến sinh viên thấy có trách nhiệm hơn với việc học.
Quan điểm bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm cũng được chính các bạn sinh viên theo học ngành nhà giáo tương lai đồng tình. Bạn Nguyễn Thị Thúy Vy (sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng chính sách miễn giảm học phí này đã trở nên lỗi thời. Bởi nếu bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm sẽ hạn chế số lượng học sinh đăng ký xét tuyển, điều này giúp cho sinh viên ra trường tránh nguy cơ thất nghiệp. Thay vào đó, các bạn sinh viên đang theo ngành sư phạm mong muốn được xây dựng chuẩn đầu ra chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Hiện nay nhiều người yêu thích nghề giáo nên vào trường sư phạm không phải vì được miễn học phí. Ngược lại, nhiều người không thích ngành này nhưng vẫn học vì "vừa có bằng đại học, vừa được miễn phí". Vòng luẩn quẩn này đang đẩy ngành sư phạm ngày càng sa sút, chất lượng giáo viên trong tương lai khó nâng cao.

Các tin khác