Kinh tế bền vững nhìn từ giá thực phẩm

Chỉ trong 1 tuần (các ngày 12 và 18-7), Bộ NN-PTNT đã tổ chức 2 cuộc họp bàn giải pháp bình ổn giá lương thực, thực phẩm. Đây là động thái không bình thường.

Chỉ trong 1 tuần (các ngày 12 và 18-7), Bộ NN-PTNT đã tổ chức 2 cuộc họp bàn giải pháp bình ổn giá lương thực, thực phẩm. Đây là động thái không bình thường.

Động thái không bình thường này xuất phát từ diễn biến tăng giá bất thường của thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt, rau. Cục Chăn nuôi và Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nêu nguyên nhân sản xuất trong nước gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và giá đầu vào (thức ăn, điện nước, nhân công...) tăng mạnh, khiến nguồn cung trong nước sụt giảm và các mặt hàng này tăng giá một phần do bị đẩy lên.

Theo 2 cơ quan trên, từ tháng 4 đến nay, tại Hà Nội giá thịt gia súc tăng 40-60%, rau xanh tăng tới 100-200% và rất khó kiểm soát. Trước tình hình tăng giá bất thường này, Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc nắm chắc tình hình sản xuất tại các địa phương, làm cơ sở để đưa ra những giải pháp phù hợp. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường.

Trong khi các giải pháp đề ra chưa kịp triển khai, các cơ quan chuyên môn dự báo mặt hàng thực phẩm có thể thiết lập mặt bằng giá mới trong 6 tháng cuối năm. Nếu tình hình không được cải thiện, viễn cảnh về một mặt bằng giá cao vượt sức chịu đựng của đại bộ phận người làm công ăn lương vào dịp Tết âm lịch hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi lẽ đó là thời điểm hàng năm thường xảy ra tình trạng giá cả bị đẩy lên và mặc nhiên trở thành mặt bằng giá mới. Như vậy, tăng giá “đúp” là nguy cơ có thể nhìn thấy trước.

Vấn đề đặt ra, những nguyên nhân lý giải việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm được nêu ra vẫn chưa chỉ ra được nguồn gốc sâu xa. Đó là các lĩnh vực sản xuất - chế biến -  lưu thông của nền kinh tế vận hành chưa đồng bộ, thiếu căn cơ và kém bền vững. Đến nay cả nước chưa thật sự có một vùng sản xuất quy mô nào xứng tầm. Dễ thấy nhất là các vùng sản xuất lúa trọng điểm như ĐBSCL và đồng bằng Bắc bộ, đến nay nông dân vẫn canh tác phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên.

Nhưng ngay cả khi thời tiết thuận lợi, đạt sản lượng lúa cao… lại đối mặt với vấn đề tồn trữ, chế biến sau thu hoạch. Không chỉ lúa gạo, mà các loại nông sản khác cũng thường xuyên lâm vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá không còn gì để bán, hoặc nông dân - ngay cả những vùng được xem là chuyên canh - liên tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Để phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa bền vững, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải quy hoạch các vùng chuyên canh, gắn với đầu tư khoa học - công nghệ từ sản xuất đến tồn trữ, chế biến và lưu thông. Trong đó, cần đầu tư mạnh vào yếu tố khoa học - công nghệ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Bởi, nếu chăn nuôi - trồng trọt đạt được hàm lượng khoa học công nghệ cao, các lĩnh vực này sẽ ít tổn thương trước những tác động của dịch bệnh, thiên tai.

Mặt khác, các vùng chuyên canh cần được tăng cường yếu tố khoa học - công nghệ trong khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến. Triển khai đúng mức 2 giải pháp này, chắc chắn nước ta không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, giá nông sản ít biến động, mà còn nâng cao được giá trị hàng hóa.

Vấn đề quan trọng nữa cần được quan tâm là yếu tố lưu thông. Cụ thể, cần có mạng lưới cung cấp vật tư sản xuất và thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, doanh nghiệp chế biến. Một hệ thống thương mại đủ mạnh mới có thể giúp duy trì ổn định hoạt động sản xuất của vùng chuyên canh và thị trường nông sản trước những tác động bất lợi như hiện nay.

Để thành hình vùng chuyên canh, vai trò các bộ, ngành, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất lớn. Và đây mới là bản chất của nền kinh tế thị trường vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa: doanh nghiệp nhà nước không thể đứng ngoài cuộc thủ lợi, khi người dân loay hoay đối phó với tình hình vật giá leo thang.

Các tin khác