Hỗ trợ thiết thực đầu ra nông sản

(ĐTTCO) -Hiện nay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không ngoài mục đích là nâng cao chất lượng, sản lượng và hạ giá thành để qua đó cải thiện sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung cho hạ giá thành sản xuất vẫn chưa đủ, mà phải có cơ chế hỗ trợ để nông sản đến được người tiêu dùng với giá cả tốt nhất. Bởi lẽ, với loại hàng hóa khó bảo quản, xếp dỡ và vận chuyển như nông sản, chi phí sản xuất có khi chỉ chiếm một phần nhỏ, thậm chí rất nhỏ trong tổng chi phí để đưa được sản phẩm đến tay người mua. Đó là lý do vì sao giá nhiều mặt hàng nông sản khi về tới chợ, siêu thị ở TPHCM lại cao gấp 3-4 lần so với giá bán tại vườn.

(ĐTTCO) -Hiện nay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không ngoài mục đích là nâng cao chất lượng, sản lượng và hạ giá thành để qua đó cải thiện sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung cho hạ giá thành sản xuất vẫn chưa đủ, mà phải có cơ chế hỗ trợ để nông sản đến được người tiêu dùng với giá cả tốt nhất. Bởi lẽ, với loại hàng hóa khó bảo quản, xếp dỡ và vận chuyển như nông sản, chi phí sản xuất có khi chỉ chiếm một phần nhỏ, thậm chí rất nhỏ trong tổng chi phí để đưa được sản phẩm đến tay người mua. Đó là lý do vì sao giá nhiều mặt hàng nông sản khi về tới chợ, siêu thị ở TPHCM lại cao gấp 3-4 lần so với giá bán tại vườn.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển NNCNC, bên cạnh chính sách khuyến khích sản xuất, Nhà nước cũng cần có cả chính sách hỗ trợ để giảm chi phí cho tất cả khâu trong chuỗi chi phí nông sản, từ sơ chế, vận chuyển đến tổ chức hệ thống phân phối. Giải pháp hữu hiệu có lẽ là Nhà nước dùng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và các hỗ trợ đặc biệt về hành chính để khuyến khích hình thành nên những chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực logistics, chế biến và phân phối sản phẩm nhằm cắt giảm tối đa chi phí và tối ưu hiệu quả kinh doanh cho các mắt xích trong hệ thống.

Theo chúng tôi được biết, trong khi các bộ, ngành ở Trung ương còn đang bàn luận để xây dựng gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng nhằm khuyến khích phát triển NNCNC, ở các tỉnh miền Đông Nam bộ người trồng chuối và nuôi gà đang như ngồi trên lửa vì cả chuối và gà thịt đều rớt giá thê thảm nhưng bán cũng không dễ. Thực tế này đặt ra vấn đề lớn cho nông nghiệp, đó là nếu chỉ tập trung khuyến khích phát triển sản xuất mà không giải được bài toán đầu ra cho nông sản sẽ lại đi vào ngõ cụt.

Chúng ta đều biết ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong mối quan hệ làm ăn với các thương nhân Trung Quốc phía Việt Nam luôn ở trong thế bị động. Vì vậy, trong gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng, hay nói rộng hơn khi thiết kế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, Chính phủ cần tìm cho bằng được lời giải cho sự bất cập này. Chắc chắn rằng lời giải đó phải đến từ các doanh nghiệp chuyên chế biến nông sản để xuất khẩu. Cung cấp những gói hỗ trợ hiệu quả để giúp doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường một cách bền vững chính là cách tốt nhất để bảo đảm đầu ra cho nông dân.

Ngoài ra, bên cạnh các giải pháp về kinh tế, biện pháp hành chính cũng không thể không tính đến. Chúng ta đã nói nhiều về việc nông sản phải cõng chi phí cho nạn mãi lộ, rồi tình trạng không kiểm soát được quy hoạch, phát triển sản xuất một cách vô tội vạ dẫn đến tình trạng nông sản bị dội chợ... Vì thế, gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết, nhưng điều mà người nông dân cần hơn trong lúc này không chỉ là được vay vốn giá rẻ, mà làm sao để họ có thể trút được mối lo về đầu ra cho nông sản vốn ám ảnh họ từ nhiều chục năm nay. Chắc chắn mối lo đó sẽ không thể được giải tỏa chỉ bằng những giải pháp khuyến khích tăng năng suất, chất lượng và giá thành cho những người trực tiếp sản xuất ra nông sản.

(TPHCM)

Các tin khác