Hiện đại hóa đội tàu hay giải cứu cục nợ?

Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến những sai phạm ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Hàng loạt sai phạm, kinh doanh liên tục thua lỗ đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và Cơ quan điều tra (Bộ Công an) khởi tố, công bố sai phạm ở đơn vị này.

Khi sự việc đổ bể, dư luận hết sức bất ngờ với “Đề án hiện đại hóa đội tàu của Vinalines” mà trước đó Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) trình Chính phủ với tổng mức đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, sau đó “trả treo” bớt xuống còn 68.000 tỷ đồng khi bị phản ứng mạnh mẽ của dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2005-2010 Vinalines đã đầu tư 22.853 tỷ đồng mua 73 tàu cũ của nước ngoài đã qua sử dụng với năng lực hơn 2 triệu tấn. Số tiền mua tàu trên gồm vay ngân hàng thương mại hơn 943 triệu USD và 348,7 tỷ đồng. Trong đó có 17 tàu trên 15 tuổi, thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi. Tất cả các tàu này không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam mà phải treo cờ nước ngoài như Mông Cổ, Panama...

Trong số 73 tàu cũ được mua từ nước ngoài đã qua sử dụng, công ty mẹ (Vinalines) trực tiếp mua 14 tàu, với tổng vốn đầu tư trên 7.569 tỷ đồng; 7 công ty cổ phần có vốn chi phối của Vinalines mua 41 tàu, tổng vốn đầu tư 14.480 tỷ đồng; còn lại 7 công ty liên kết đã chi ra 804 tỷ đồng mua 18 tàu.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Vinalines có tới 36 tàu mua từ năm 2005-2010 kinh doanh bị lỗ nặng, trong đó Vinalines và 2 chi nhánh ở TPHCM và Hải Phòng (100% vốn nhà nước) mua 11 tàu cũ với giá 6.358,9 tỷ đồng, kết quả kinh doanh tính đến hết năm 2010 lỗ 606,7 tỷ đồng; các doanh nghiệp thành viên có cổ phần chi phối của Vinalines đã mua 17 tàu với giá 6.643,2 tỷ đồng, kết quả kinh doanh cũng bị lỗ 941,4 tỷ đồng; một số công ty khác (dưới 50% vốn nhà nước) như CTCP vận tải biển Hải Âu (Vinalines góp 26,26% vốn cổ phần) mua 1 tàu, kinh doanh đến hết năm 2010 lỗ 4 tỷ đồng, CTCP hợp tác lao động với nước ngoài Inlaco Hải Phòng mua 5 tàu, kinh doanh lỗ 19,3 tỷ đồng.

Như vậy việc kinh doanh không hiệu quả của Vinalines và các công ty thành viên, đối tác kéo dài trong một thời gian dài với hàng ngàn tỷ đồng; việc mua sắm hàng loạt tàu cũ quá hạn sử dụng, giá cao trái với quy định của Nhà nước với số tiền lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng chắc chắn lãnh đạo Vinalines biết quá rõ, lãnh đạo Bộ GT-VT lẽ nào lại không biết?

Dư luận băn khoăn, trong bối cảnh kinh doanh bê bết, đầu tư mua sắm tàu cũ có nhiều khuất tất như vậy, việc Bộ GT-VT trình đề án hiện đại hóa đội tàu của Vinalines (tất nhiêu là có sự tham mưu, chấp bút từ Vinalines) với số tiền cả trăm ngàn tỷ đồng phải chăng có sự toan tính để “giải cứu” số tiền trước đó Vinalines và các công ty thành viên đã sai phạm?

Ở đây nếu đặt vấn đề giả sử đề án 100.000 tỷ đồng hay 68.000 tỷ đồng được phê duyệt và giải ngân để “trả nợ” trước khi Vinalines đổ bể, trách nhiệm của người phê duyệt sẽ ra sao? Nếu cho rằng Bộ GT-VT không hề biết chuyện làm ăn thua lỗ kéo dài vài năm qua để chấp bút ký phê duyệt thì giờ đây đúng là “hú hồn”.

Cũng liên quan đến việc cơ quan chủ quản là Bộ GT-VT có lỗi trong khâu quản lý, một đại biểu Quốc hội đã nói: “Đúng là lỗi ở khâu quản lý, nhận thức, quan điểm và quyết định. Muốn quản lý được phải nắm rõ thực trạng, nhưng thực tế lại không nắm bắt được. Chẳng hạn như tái cơ cấu Vinashin thì lại đẩy một số nợ qua Vinalines trong khi Vinalines cũng đang tìm đường thoát nợ.

Hay như việc đề bạt ông Dương Chí Dũng từ Chủ tịch HĐQT Vinalines lên Cục trưởng Cục Hàng hải mà Bộ GT-VT nói rằng không nắm được sai phạm của ông Dũng trong việc quản lý Vinalines, là biểu hiện của trình độ, năng lực, trách nhiệm quản lý chưa tốt”.

Theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ GT-VT được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt, từ năm 2012-2020, Vinalines sẽ đầu tư đội tàu biển với tổng kinh phí lên đến 100.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa tổng tải trọng đội tàu của Vinalines lên 5,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, sau đó Vinalines lại có văn bản gửi Bộ GT-VT xin giảm vốn đầu tư xuống còn 68.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư đội tàu giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Vinalines cho biết, nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư tàu sẽ được huy động chủ yếu từ nguồn vốn vay thương mại, vốn huy động từ thị trường chứng khoán và vốn tự có…

Việc “xin giảm” vốn đầu tư của Vinalines buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng sau những lùm xùm của dư luận về số tiền đầu tư quá lớn của đề án trong bối cảnh kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, Vinalines giảm số tiền này xuống để đề án được phê duyệt một cách nhanh chóng nhằm có một lượng tiền lớn “hiện đại hóa” những con tàu già nua mà Vinalines đã mua và bù đắp vào những khoản lỗ khổng lồ đơn vị này gây ra?

Các tin khác