Đừng để dự trữ bắt buộc biến thành đầu cơ

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu, bao gồm: gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Dự thảo này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm nay.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu, bao gồm: gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Dự thảo này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm nay.

Mức dự trữ đối với các mặt hàng trên dao động 5-12% tùy loại. Đối tượng áp dụng là các thương nhân sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu; các hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu.

Việc dự trữ lưu thông bắt buộc là cần thiết vì việc điều tiết cung cầu tốt sẽ tạo nên sự bình ổn thị trường, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế-xã hội...

Theo đó, khi thị trường biến động cung - cầu, tất cả hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc đều được tung ra nhằm bình ổn, đảm bảo nguồn cung, hạn chế việc tăng giá quá mức. Tuy nhiên, dự thảo quyết định này vẫn bộc lộ không ít hạn chế về đối tượng, thiếu hấp dẫn và mang tính hành chính.

Theo quy định tại dự thảo, tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng dự trữ lưu thông bắt buộc đều phải thực hiện việc dự trữ lưu thông bắt buộc. Quy định này xem ra chưa ổn, bởi lẽ việc dự trữ lưu thông, bình ổn giá là nhiệm vụ của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước.

Vì thế, việc mở rộng đối tượng, buộc doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác cũng phải tham gia dự trữ bắt buộc, liệu có cưỡng ép? Trong khi đó, một công cụ quan trọng nhưng lại ít được sử dụng khi tham gia bình ổn thị trường là nguồn lực từ Dự trữ quốc gia.

Về nguyên tắc, hàng hóa dự trữ quốc gia chủ yếu để sử dụng trong trường hợp thiên tai, địch họa, dịch bệnh nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng đề án “Dự trữ quốc gia tham gia bình ổn thị trường” để vừa thực hiện vai trò đảm bảo an sinh xã hội vừa bình ổn thị trường. Thế nhưng trong dự thảo quyết định trên lại không hề đề cập đến vai trò của cơ quan này.

Dự thảo cũng quy định, mức dự trữ lưu thông bắt buộc được tính toán để khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Theo đó, mức dự trữ lưu thông bắt buộc đối với thương nhân nhập khẩu hàng hóa thành phẩm sẽ ở mức cao hơn so với thương nhân nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu; thương nhân nhập khẩu phải dự trữ cao hơn so với thương nhân sản xuất.

Quy định này cũng bộc lộ những hạn chế. Chẳng hạn, trong điều kiện sản xuất mặt hàng đường trong nước đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, không cần nhập khẩu thì quy định dự trữ bắt buộc 10% lượng đường mà thương nhân được cấp hạn ngạch là chưa hợp lý và không thể thực thi được.

Mặt khác, thương nhân nhập khẩu đường phải dự trữ 10% trong khi doanh nghiệp sản xuất chỉ dự trữ 5% cũng bất cập. Bởi việc nhập khẩu đường để đảm bảo cung cầu trong nước, chịu đủ loại chi phí nhưng lại dự trữ nhiều sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, chưa kể khi vay ngoại tệ, doanh nghiệp nhập khẩu đường cũng không được hưởng ưu đãi. Và như vậy cũng sẽ khó hấp dẫn doanh nghiệp tham gia dự trữ.

Ngoài ra, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là làm thế nào để ngăn ngừa hành vi lợi dụng dự trữ lưu thông bắt buộc để đầu cơ khi mở rộng đối tượng tham gia. Đây đang là điểm yếu trong công tác quản lý giá cả, lưu thông cho đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục được.

Điều này thực tế đã chứng minh khi thời gian qua nhiều mặt hàng liên tục tăng giá một cách vô lý. Vì thế, để việc dự trữ lưu thông bắt buộc thực sự đạt hiệu quả cao trong bình ổn, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường, không thể chỉ đưa ra những quy định mang nặng tính hành chính, áp đặt.

Điều cơ bản là phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa hành vi đầu cơ, trục lợi; đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế-xã hội.

Các tin khác