Doanh nghiệp cần truyền thông trợ lực

(ĐTTCO) - Thời gian qua trên hầu hết phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất tràn lan khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

(ĐTTCO) - Thời gian qua trên hầu hết phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất tràn lan khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

 Việc thông tin như vậy giúp người tiêu dùng cảnh giác hơn, song theo ý kiến của tôi đôi khi những thông tin ấy lại đang bị bóp méo, làm quá, nhất là trên mạng xã hội khiến người đọc không biết tin vào đâu. Không biết doanh nghiệp (DN) nào trong nước kinh doanh thực phẩm sạch, đơn vị nào bị bêu tên.

Và điều này dẫn đến mỗi người tiêu dùng phải tự tìm cách cứu lấy mình và gia đình. Người có người thân ở quê mua thực phẩm dưới quê gửi lên, người không có nhờ bạn bè hoặc mua ở những chỗ tự nhận là hàng sạch. Rồi người người, nhà nhà cố gắng trong phạm vi có thể tự cung cấp một phần thực phẩm. Những “tấm gương” tự trồng rau sạch, nuôi gà, nuôi heo tự cung tự cấp được đăng tải tràn ngập.

Nhất là những người tự nuôi trồng trong đô thị, trên mái nhà lại càng được khen hơn. Hóa ra chúng ta đang cổ xúy cho những ốc đảo thu nhỏ đó hay sao. Trong khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế phát triển, ở một góc khác lại đi ngược, nỗ lực nông thôn hóa đô thị theo cách tự cung tự cấp. Sức khỏe của mình đương nhiên phải tự bảo vệ, nhưng đã đến lúc truyền thông phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, minh bạch và công khai hơn.

Tôi tin bên cạnh những thực phẩm bẩn hàng ngày chúng ta phải đối diện, vẫn còn nhiều DN làm ăn chân chính, nhiều cá nhân đang cố gắng mang nguồn thực phẩm sạch cho người dân. Chính vì thế bên cạnh thông tin về thực phẩm bẩn, nên đưa thêm nhiều thông tin về những DN làm ăn chân chính, những địa chỉ mua hàng uy tín. Bản thân các DN này cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn, tự mình truyền thông nhiều hơn để người tiêu dùng biết và sử dụng. Nếu không được ủng hộ các DN sẽ ngày càng lép vế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hội nhập sắp tới. Thực tế, bên cạnh một bộ phận người dân chuyển sang tự cung tự cấp, một số khác lại đang chuyển sang tin tưởng thực phẩm nhập khẩu. Do đó, nhiều đơn vị thực phẩm của nước ngoài khi tổ chức xúc tiến tại Việt Nam đều nhấn mạnh thực phẩm luôn đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, an toàn.

Sức nóng của hội nhập không chỉ đến với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, DN mà người tiêu dùng cũng cảm nhận được qua sự hiện diện của ngày càng nhiều sản phẩm ngoại nhập. Người tiêu dùng mong muốn với sự lên tiếng của truyền thông, những cam kết làm ăn chân chính của sản phẩm nội, các DN Việt Nam sẽ không quá lo sợ trong cuộc cạnh tranh này.

(TPHCM)

Các tin khác