Đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp

Kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001), với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và nông nghiệp nói riêng, việc cơ khí hóa đồng ruộng đã từng bước được chú trọng.

Kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001), với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và nông nghiệp nói riêng, việc cơ khí hóa đồng ruộng đã từng bước được chú trọng.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm thực hiện, tình trạng sản xuất nông nghiệp theo lối truyền thống vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.

Đó là việc nông dân gieo trồng và thu hoạch thủ công, tưới tiêu bằng những chiếc gàu sòng, vận chuyển bằng sức người hoặc trâu bò, phơi nông sản trên lòng lề đường… Lề lối sản xuất lạc hậu này diễn ra ở một số vùng có quy mô canh tác nhỏ, sản xuất tản mạn, không chuyên canh, trồng nhiều loại cây. Cách làm này tốn công sức, kéo dài thời gian gieo trồng, phụ thuộc vào thiên nhiên, thất thoát nhiều và làm tăng giá thành nông sản.

Giá thành sản xuất nông sản cao trước hết làm giảm lợi nhuận, tăng rủi ro cho nông dân, đồng thời cũng giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu (nhất là với những mặt hàng chủ lực như cà phê, chè, hạt điều, tiêu…). Nhìn rộng hơn, điều này làm giảm lợi ích toàn xã hội, mất giá trị một số nông sản có thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Muốn nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm cần đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt. Bản thân người nông dân phải chủ động nhưng trước hết các ngành, các cấp, nhất là cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu phải đi đầu trong công cuộc cơ giới hóa này.

Do đó, theo tôi việc cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp, cần chú ý ở tầm vĩ mô, Nhà nước phải có chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất các phương tiện, máy móc phục vụ nông nghiệp. Đó là Nhà nước tài trợ các phát minh, sáng chế, hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc dùng trong nông nghiệp… Nhà nước quy hoạch cụ thể, khoa học để tập trung tăng quy mô sản xuất từng loại nông sản ở mỗi địa phương với tính cạnh tranh và lợi thế so sánh cao nhất.

Ngoài việc xác định rõ vùng nào nên tập trung trồng loại cây gì, quy mô ra sao, cần thúc đẩy công tác “dồn điền đổi thửa”, tích tụ ruộng đất để giảm dần sự manh mún trong quy mô sản xuất, từ đó áp dụng các phương tiện cơ khí một cách thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có nhiều ưu đãi hơn để nông dân có thể mua sắm được máy móc, phương tiện phục vụ nông nghiệp, được sử dụng các phương tiện cơ khí trong sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến. Các biện pháp trợ giúp nông dân gồm cho vay vốn lãi suất thấp, tặng máy móc cho nông dân sản xuất giỏi hoặc có sáng kiến tăng năng suất, đầu tư các cơ sở phơi sấy, điểm dự trữ, trạm bơm phục vụ tưới tiêu, cơ sở sơ chế…

Bên cạnh đó, cần thành lập các hợp tác xã cơ khí nông nghiệp, các cơ quan chức năng cử cán bộ hướng dẫn, thành lập các trung tâm phân phối, bảo trì máy móc, thiết bị… để hướng dẫn nông dân sử dụng phương tiện, máy móc có hiệu quả.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần hợp tác chặt chẽ với nông dân để giúp người trồng lúa có thêm điều kiện trang bị thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Cụ thể doanh nghiệp có thể ứng trước bằng vốn hoặc máy móc cho nông dân hoặc các hợp tác xã trồng lúa, sau đó nông dân trả bằng lúa (theo giá cả thị trường) để đôi bên cùng có lợi…

Về phía nhà khoa học, cần đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất các phương tiện, máy móc phù hợp với điều kiện đồng ruộng, tập quán sản xuất của nông dân và tình hình thu nhập của người dân.

Trên thực tế, nếu đẩy mạnh cơ khí hóa ở nông thôn, nhất là với khu vực trồng lúa, sẽ góp phần giải quyết nhiều việc làm phi nông nghiệp ngay tại nông thôn, như lái máy cày, máy kéo, mua bán, sửa chữa máy móc cùng nhiều dịch vụ khác, góp phần giúp nông dân nâng cao đời sống.

Các tin khác