Đầu tư đại học: Cần xem lại hiệu quả

Từ năm 2010, học phí ở các trường đại học đã được nâng lên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình đến năm 2015.

Từ năm 2010, học phí ở các trường đại học đã được nâng lên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình đến năm 2015.

Tuy nhiên, liên tục trong những hội nghị về tài chính, ngân sách được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức gần đây, các trường vẫn than thở thiếu kinh phí và đề nghị tăng học phí, hoặc được tự chủ thu học phí để đầu tư theo nhu cầu của mình.

Hiệu trưởng một trường đại học ở TPHCM cho rằng nguồn ngân sách nhà nước rót cho trường không tăng trong khi lương cơ bản lại tăng lên. Nhà trường không biết lấy tiền đâu ra trả lương cho giảng viên. Vị hiệu trưởng này kiến nghị Bộ GD-ĐT nên có cơ chế để trường có thể tăng các nguồn thu.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường đại học ở Vinh (Nghệ An) nói do kinh phí quá ít ỏi nên trường không dám cử cán bộ đi hội thảo, hội nghị. Theo vị hiệu trưởng này, với mức chi phí đơn vị cho một sinh viên 1 năm khoảng 7 triệu đồng là quá thấp, không thể đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đây cũng là chia sẻ của hiệu trưởng một trường đại học ở Hà Nội. Ông này cho biết trường đã phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm, cắt giảm rất nhiều các khoản chi tiêu. Cán bộ, giảng viên muốn dự các hội nghị hội thảo, đi công tác nước ngoài phải tự lo hoặc do đối tác mời lo kinh phí.

“Cả trường cũng chỉ có 1 chiếc ô tô đã dùng 15 năm. Do tài chính hạn hẹp nên trường không tăng được lương cho giảng viên, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, chất lượng đào tạo vì thế cũng bị ảnh hưởng” - ông này nói.

Thực tế, dù mức học phí đã tăng từ năm 2010 nhưng cùng với đó, tỷ lệ lạm phát tăng, lương cơ bản tăng, dẫn đến các trường khó khăn là điều khó tránh khỏi. Bởi ngân sách chủ yếu để trả lương giảng viên, phần dành cho phát triển học liệu như biên soạn giáo trình, sách tham khảo, đầu tư cơ sở vật chất… chẳng đáng bao nhiêu.

Vì thế, với khung học phí như hiện nay, để tăng thu, nhiều đơn vị đã quy định các khoản thu thêm không có trong quy định. Giải thích điều này, lãnh đạo nhiều trường cho rằng học phí là khoản tiền của người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục.

Học phí của đại học cần được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, học phí phải đảm bảo bù đắp chi phí tiền lương, từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của của trường và có tích lũy để đầu tư cho cơ sở vật chất.

Thậm chí có trường đại học đề nghị để thực hiện tốt chính sách xã hội trong giáo dục đại học, đồng thời đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, Nhà nước nên cho phép trường tự xác định mức học phí như các trường đại học thuộc doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng với cơ chế tài chính hiện nay, thực sự các trường có gặp khó khăn, nhưng khó khăn đó không nằm ở việc nhiều hay ít tiền mà ở chỗ, đồng tiền đầu tư đã chưa phát huy được hiệu quả.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng tỷ lệ 20% GDP đầu tư cho giáo dục là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta và khó có thể tăng hơn được nữa.

Đây cũng là nhận định của ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT. Theo ông Khuyến, không thể đòi hỏi Nhà nước đầu tư thêm mà các trường phải xem xét lại hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư này.

Vị cựu lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng trên thực tế, vấn đề kiểm tra lại hiệu quả đầu tư vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được kiểm định và công bố.

So sánh một cách cụ thể hơn, ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Ngoài công lập, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc các trường công lập đòi tăng học phí cũng giống như “sinh đẻ có kế hoạch”.

Nếu chỉ có 1 đến 2 con theo đúng kế hoạch thì việc đầu tư cho mỗi con sẽ lớn hơn, không gặp khó khăn, nhưng đẻ 4, 5 con thiếu thốn là tất yếu. Việc thành lập quá nhiều trường đại học, nâng cấp, chia tách trong khi tài chính có hạn đã khiến cho đồng vốn đầu tư của Nhà nước bị xé lẻ, mỗi trường được một ít nhưng không trường nào đủ.

“Đừng đòi phải tăng học phí của người học vì là trường công mà cứ tăng học phí thì còn công lập ở chỗ nào?” - ông Nhĩ nói.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, năm 2012 tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã khẳng định không cắt giảm chi cho giáo dục và cũng không thể tăng thêm.

Vì thế, để đầu tư, các trường cần năng động tìm nguồn khác và cần thay đổi tư duy trông chờ vào đầu tư công. Theo đó, các trường cần tập trung đào tạo để nâng chất lượng năm sau cao hơn năm trước chứ không chỉ đòi đầu tư, tăng thu nhập.

Các tin khác