Cú sốc “chè bẩn”

Vừa rồi, thông tin về nạn “chè bẩn” được sản xuất tràn lan ở phía Bắc khiến người tiêu dùng lo lắng. Các cơ quan quản lý phải lập tức vào cuộc. Nhưng đối với nông dân làm chè, sống bằng cây chè thì chuyện này không mới và cũng không có gì lạ. Đó chỉ là một “cú sốc” mạnh hay một cái ung nhọt lâu ngày đến lúc phải vỡ. Với tư cách người nông dân có gần 40 năm gắn bó với cây chè, tôi thấy có nhiều chuyện cần phải nói nhân chuyện “chè bẩn” này.

Vừa rồi, thông tin về nạn “chè bẩn” được sản xuất tràn lan ở phía Bắc khiến người tiêu dùng lo lắng. Các cơ quan quản lý phải lập tức vào cuộc. Nhưng đối với nông dân làm chè, sống bằng cây chè thì chuyện này không mới và cũng không có gì lạ. Đó chỉ là một “cú sốc” mạnh hay một cái ung nhọt lâu ngày đến lúc phải vỡ. Với tư cách người nông dân có gần 40 năm gắn bó với cây chè, tôi thấy có nhiều chuyện cần phải nói nhân chuyện “chè bẩn” này.

Đầu tiên phải khẳng định người làm chè không thu được siêu lợi nhuận từ việc sản xuất “chè bẩn” như cách hiểu của dư luận. Có chăng là các cơ sở sản xuất kiêm đầu mối thu gom “chè bẩn” có lợi nhuận khá cao. Vì dù công nghệ sản xuất chè với các chất phụ gia độc hại như phân hóa học, bột đá, xi măng, xỉ quặng... có thể làm tăng trọng lượng chè thành phẩm lên gấp đôi, nhưng với giá thu mua của tư thương 14.000-15.000 đồng/kg, thu nhập của người trồng chè vẫn chẳng đáng là bao.

Vừa rồi đã có vị lãnh đạo địa phương vội vàng lên tiếng tuyên bố địa phương này đã xóa sổ nạn chè bẩn. Đây quả là điều khó tin. Sự xuê xoa, dễ dãi trước thực trạng người dân sản xuất chè không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chính là một nguyên nhân sâu xa khiến nạn chè vàng hoành hành ở các tỉnh phía Bắc nhiều năm qua và đến nay là “chè bẩn”.

Thói quen sản xuất chè thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm và “công nghệ”  sản xuất “chè bẩn” chỉ là một ranh giới mong manh trong ý thức người làm chè. Thực tế không phải đợi đến khi “chè bẩn” bị phát hiện, mà từ lâu người nông dân đã không dám uống chè do chính mình làm ra. Vì chè càng ngọt, càng đậm càng được giá. Muốn chè đậm hơn, phải phun nhiều thuốc trừ sâu trước khi thu hái. Muốn tăng vị ngọt, khi sao sấy phải cho thật nhiều phế phẩm của các nhà máy sản xuất bột ngọt... Thực trạng này không chỉ nông dân biết, mà nhiều nhà quản lý cũng biết, nhưng biết rồi làm ngơ.

Nông dân và DN chè đang là đối tượng bị dư luận “mổ xẻ” khi nạn “chè bẩn” hoành hành, nhưng chính sự lúng túng, thiếu căn cơ trong định hướng phát triển ngành chè mới là nguyên nhân sâu xa. Hơn 10 năm trước, sự khuyến khích, ưu đãi đầu tư của nhiều địa phương đã tạo ra phong trào đầu tư rầm rộ vào ngành chế biến chè. Nhưng đến nay, hơn quá nửa số DN chè phải đóng cửa, phá sản. Số còn lại vẫn đang chật vật tìm đường đi, nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô dưới dạng chè nguyên liệu giá thấp.

Muốn làm thương hiệu cho sản phẩm chè quá khó, dù dưới góc độ DN hay thương hiệu quốc gia. Hơn chục năm qua, riêng tại khu vực phía Bắc có tới vài chục giống chè được đưa vào trồng khảo nghiệm, tiêu tốn nhiều ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bộ giống tiêu chuẩn để trồng đại trà. Với vùng nguyên liệu “thập cẩm” như vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường EU, Hoa Kỳ... trở nên bất khả thi.

Cuối cùng, dù vô tình cũng không người nông dân nào muốn mình góp phần làm xấu hình ảnh quốc gia, cũng không ai muốn sản phẩm mình làm ra sẽ làm hại sức khỏe con người. Người làm chè luôn mong muốn làm giàu bằng cây chè, nhưng trước tiên cần sống được với cây chè. Điều này, người nông dân không tự làm được.

Các tin khác